Chủ tọa hỏi tiếp: "Trong việc phát hành trái phiếu này thì vai trò của các bị cáo ở NH thế nào?". Bị cáo Lan nói chỉ biết cho mượn công ty để phát hành, sau đó nói Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông) hỗ trợ SCB.
Khi chủ tọa chất vấn bị cáo Lan về lời khai của một số bị cáo nói chủ trương phát hành trái phiếu là từ bị cáo, bị cáo Lan nói rằng sẵn sàng chịu trách nhiệm cho người dân. Riêng về phát hành trái phiếu của An Đông, thì bị cáo nói rất đau lòng, vì người nhà, sui gia cũng bỏ ra 5.000 tỉ đồng mua trái phiếu.
Số tiền thu được từ nguồn phát hành trái phiếu, bị cáo Lan khai do SCB sử dụng và bị cáo giao cho Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) quản lý, theo dõi số tiền phát hành trái phiếu. "Nhưng bị cáo chịu trách nhiệm về việc bồi thường lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho bị hại. Các trái chủ, nhiều ông bà cụ già, với họ tiền mua trái phiếu là tiền cuối đời, vì tin tưởng bị cáo, tin tưởng SCB nên họ mới mua trái phiếu. Vì vậy bị cáo bằng mọi giá tìm mọi cách trả đầy đủ tiền cho trái chủ. Bị cáo trong hoàn cảnh bi đát thế này vẫn cố gắng khắc phục thiệt hại cho trái chủ", bị cáo Lan nói.
Bên cạnh đó, bị cáo Lan cũng đưa ra phương án khắc phục hậu quả cho các trái chủ. Cụ thể, theo bị cáo, tổng tài sản tiền, tài sản thu giữ, cổ phiếu, cổ phần là hơn 21.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo đề nghị HĐXX thu hồi hơn 17.000 tỉ đồng mà các NH và các tổ chức khác đã nhận từ nguồn tiền phát hành trái phiếu. "Như vậy có hơn 38.000 tỉ đồng để trả tiền lại cho người dân và phải ưu tiên trả lại cho họ", bị cáo Lan trình bày.
Liên quan vụ án giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn bị truy tố về hành vi rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng từ nguồn tham ô tài sản của SCB; vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng).
Hôm nay 24.9, đại diện Viện KSND TP.HCM sẽ thẩm vấn các bị cáo trong nhóm lừa đảo trái chủ.