Nếu cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ. Như vậy, nếu ba mẹ bận không thể đi đăng ký khai sinh thì ông bà vẫn có thể đi đăng ký khai sinh cho cháu theo quy định.
Việc thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi cư trú (thường trú/tạm trú) của cha hoặc mẹ theo điều 13 luật Hộ tịch 2014.
Ông bà đi đăng ký khai sinh cho cháu, không cần văn bản uỷ quyền
Về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ, luật sư Hoàng Tư Lượng cho biết, người đi đăng ký khai sinh phải nộp tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định và bản chính giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Ngoài ra, còn phải nộp bản sao giấy đăng ký kết hôn (nếu có); bản sao CCCD (nay là thẻ căn cước) của bố mẹ trẻ (nếu có); nếu ông bà đi đăng ký khai sinh cho trẻ thay ba mẹ thì phải mang giấy tờ tùy thân theo đúng quy định.
"Sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ, cán bộ tư pháp - hộ tịch sẽ ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch, đồng thời cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân cho trẻ", luật sư Lượng nói.
Sau đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Tiếp đó, Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Đối với câu hỏi ông bà đi khai sinh cho cháu có phải có giấy ủy quyền của cha hoặc mẹ bé không, luật sư Hoàng Tư Lượng cho hay, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ của trẻ. Tuy nhiên, ông, bà phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.
Luật sư Lượng cũng nhấn mạnh, theo quy định, đăng ký khai sinh cho con chậm sẽ không bị phạt nhưng cha mẹ và người thân nên làm giấy khai sinh cho trẻ sớm nhất.