Thủ tục nhận con nuôi ở các cơ sở mái ấm như thế nào?

11:05 - 16/09/2024

Nếu trẻ em đang ở cơ sở nuôi dưỡng (chẳng hạn như mái ấm) thì thẩm quyền thuộc UBND cấp xã, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng, giải quyết cho nhận con nuôi.

Vừa qua Báo Thanh Niên có loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm" phản ánh tình trạng bảo mẫu bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM). Tôi thấy rất thương các trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt và mong được nhận một bé ở mái ấm làm con nuôi, để chăm sóc, giáo dục cháu được tốt hơn. Quy trình, thủ tục nhận con nuôi như thế nào ? Đối với Việt kiều và người nước ngoài muốn nhận con nuôi thì thủ tục có khác gì không ?

Bạn đọc Huyền Nhi.

Luật sư tư vấn

Luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự) tư vấn, căn cứ vào các điều 14, 15, 17, 19 luật Nuôi con nuôi, để được nhận con nuôi bạn phải đáp ứng các yêu cầu và điều kiện như sau:

Thứ nhất, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Thứ hai, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên và có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi.

Thứ ba, có tư cách đạo đức tốt.

Thủ tục nhận con nuôi ở các cơ sở mái ấm như thế nào?

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Những ai không được nhận con nuôi?

Nếu bạn thuộc các trường hợp sau đây sẽ không được nhận con nuôi:

  • Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  • Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
  • Đang chấp hành hình phạt tù.
  • Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Để nhận con nuôi, cần giấy tờ gì?

Bạn phải chuẩn bị các hồ sơ sau: Đơn xin nhận con nuôi trong nước; bản sao hộ chiếu, CCCD hoặc giấy tờ có giá trị thay thế, phiếu lý lịch tư pháp; giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nếu là người độc thân; giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.

UBND cấp xã sẽ là cơ quan giải quyết nhận nuôi con nuôi (điều 15 luật Nuôi con nuôi), mức thu lệ phí là 400.000 đồng/trường hợp.

Đối với trẻ em bị bỏ rơi, chưa được chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng, UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Còn nếu bé đang ở cơ sở nuôi dưỡng (chẳng hạn như mái ấm) thì UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng giải quyết cho bạn.

Thời gian giải quyết cho bạn là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối, UBND cấp xã sẽ trả lời bằng văn bản. Trường hợp đủ điều kiện, UBND cấp xã sẽ tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào "sổ đăng ký".

Việt kiều và người nước ngoài nhận con nuôi bằng cách nào?

Đối với Việt kiều (người Việt Nam định cư ở nước ngoài) muốn nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng được các tiêu chí:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  • Hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi.
  • Có điều kiện kinh tế, sức khỏe, và chỗ ở phù hợp để đảm bảo chăm sóc và nuôi dưỡng con nuôi.
  • Có tư cách đạo đức tốt.
  • Không thuộc các trường hợp bị cấm nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như đang chịu án phạt, hoặc bị hạn chế quyền nuôi dạy con.

Đối với người nước ngoài, ngoài các điều kiện như Việt kiều, thì người nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia nơi đang cư trú xác nhận đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi (xác nhận về tư cách pháp lý, điều kiện kinh tế, đạo đức, và sức khỏe).

Điều kiện đối với trẻ em được nhận nuôi

  • Trẻ em dưới 16 tuổi.
  • Trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi: chỉ được nhận nuôi nếu là con riêng của vợ, hoặc chồng, hoặc có mối quan hệ huyết thống.
  • Trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa: trẻ thuộc các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội.
Thủ tục nhận con nuôi ở các cơ sở mái ấm như thế nào?

Trẻ em tại một cơ sở mái ấm ở TP.HCM

ẢNH: LÊ HUỲNH

Thủ tục nhận nuôi con nuôi đối với Việt kiều và người nước ngoài

  • Đơn xin nhận nuôi con nuôi (theo mẫu).
  • Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân có giá trị tương đương.
  • Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cư trú cấp.
  • Giấy chứng nhận sức khỏe.
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
  • Tài liệu chứng minh điều kiện kinh tế, nhà ở.
  • Giấy xác nhận của cơ quan chức năng nước ngoài về việc đủ điều kiện nhận con nuôi (đối với người nước ngoài)…
  • Hồ sơ của trẻ em được nhận nuôi: giấy khai sinh; giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe; giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc trẻ em đủ điều kiện được nhận làm con nuôi.

Sau đó, người có nhu cầu nuôi con nuôi nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp). Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi, Sở Tư pháp xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Lưu ý: trường hợp nhận con nuôi đích danh theo quy định (khoản 2 điều 28, luật Nuôi con nuôi) thì không cần thủ tục giới thiệu trẻ em làm con nuôi.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp, nếu UBND cấp tỉnh đồng ý thì ra thông báo cho Sở Tư pháp để làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp. Trường hợp không đồng ý thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi, Bộ Tư pháp kiểm tra việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Nếu hợp lệ thì lập bản đánh giá việc trẻ em Việt Nam đủ điều kiện được làm con nuôi nước ngoài, và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận nuôi con nuôi đang thường trú.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước có người nhận nuôi con nuôi thông báo về sự đồng ý của người nhận nuôi con nuôi đối với trẻ em được giới thiệu, xác nhận trẻ sẽ được nhập cảnh và thường trú tại nước mà trẻ em được nhận làm con nuôi, Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trình UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Sau đó, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận nuôi con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Trong thời hạn 60 ngày, người nhận nuôi con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi.

Trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia; có thể gia hạn, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu bên nhận nuôi con nuôi không đến nhận con nuôi thì UBND cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi: đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 9 triệu đồng/trường hợp. Đối với trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 4,5 triệu đồng/trường hợp (khoản 1 điều 6 Nghị định 114 năm 2016)…

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...