Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi phát hiện con không phải con ruột của mình. Vậy tôi có phải tiếp tục cấp dưỡng cho con nữa không?
Bạn đọc Duy Hưng
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hằng (Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự) tư vấn, theo khoản 1 điều 88 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Do đó, trong trường hợp của bạn, đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân nên theo quy định pháp luật vẫn được xác định là con chung của vợ và chồng.
Ngoài ra, căn cứ xác định đứa trẻ là con chung của vợ chồng còn được xác định trong quyết định thuận tình ly hôn/ bản án ly hôn đã được tòa án công bố và có hiệu lực trước đó.
Theo khoản 4 điều 16 Thông tư 04 năm 2020 của Bộ Tư pháp, trường hợp bạn không thừa nhận đứa trẻ là con chung thì bạn có thể yêu cầu tòa án xác định theo quy định pháp luật.
Theo khoản 2 điều 88 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định".
Đồng thời, theo hướng dẫn tại điểm b mục 5 Nghị quyết số 02 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán: "Khi có người yêu cầu tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen".
Theo đó, trường hợp sau khi ly hôn phát hiện đứa trẻ đang được cấp dưỡng không phải là con ruột của mình và muốn dừng việc cấp dưỡng, thì người đang thực hiện cấp dưỡng phải chứng minh được đứa trẻ không phải là con ruột của mình hoặc phải chứng minh đứa trẻ không phải là con chung của mình và vợ. Sau đó, bạn có thể yêu cầu tòa án xác định việc đứa trẻ không phải là con của mình.
Thủ tục xác định không phải con chung
- Thủ tục 1: Yêu cầu tòa án giải quyết việc không công nhận cha - con.
Theo luật sư Thu Hằng, để làm được điều này, trước tiên bạn cần tiến hành yêu cầu cơ quan y tế, cơ quan giám định thực hiện giám định gen (ADN) để làm chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.
Sau đó, bạn có thể nộp đơn để yêu cầu tòa án không công nhận quan hệ cha con giữa bạn và đứa trẻ. Khi xét thấy đủ căn cứ và yêu cầu hợp lệ, tòa sẽ ra quyết định xác nhận đứa trẻ không phải con chung của vợ chồng.
Hậu quả của việc không công nhận cha - con là chấm dứt quan hệ cha - con giữa bạn và đứa trẻ. Theo đó, bạn không phải thực hiện nghĩa vụ, quyền của cha mẹ với con được quy định tại điều 69, điều 81, điều 82 luật Hôn nhân và gia đình 2014, bao gồm cả nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi đứa trẻ.
- Thủ tục 2: Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án ly hôn theo thủ tục tái thẩm.
Luật sư Thu Hằng cho biết, mặc dù theo nguyên tắc, khi đứa trẻ không phải là con chung của vợ chồng thì bạn không còn nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nghĩa vụ cấp dưỡng của bạn với đứa trẻ đã được quyết định tại bản án ly hôn đã được công bố và có hiệu lực pháp luật. Để chấm dứt hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn cần phải thực hiện thủ tục để hủy bản án ly hôn đó.
Với tình tiết mới khi đã xác định được đứa trẻ không phải con bạn, đây được xem là tình tiết quan trọng mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án mà tòa án và các đương sự không biết được trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn.
Theo quy định tại khoản 1 điều 352, khoản 1 điều 353 bộ luật tố tụng Dân sự 2015, bạn có thể nộp đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án ly hôn theo thủ tục tái thẩm.