Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu tích cực trở lại. Đáng chú ý, doanh số xuất khẩu tháng 10 chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, để có thể tăng tốc phục hồi xuất khẩu mặt hàng tỷ USD này, nhiều giải pháp đã được Hiệp hội phối hợp cùng Bộ Công thương đưa ra: “Từ nay đến cuối năm, chúng ta đã đẩy mạnh một số hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành thủy sản, đồng thời, hy vọng qua những hoạt động đó, ngành thủy sản sẽ đóng góp mạnh mẽ vào việc xuất khẩu”.
Bên cạnh đó, theo ông Tài, hiện nay nông sản Việt Nam cũng cần phải được quan tâm, đầu tư, chế biến sâu hơn nữa từ Nhà nước cho đến doanh nghiệp cũng như từ ngư dân đến nông dân, giúp cho hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, mức độ phục hồi doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào 2 thị trường lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang gia tăng trở lại, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Thêm vào đó, thách thức đối với xuất khẩu thủy sản sang thị trường chính hiện nay là hàng rào kỹ thuật khắt khe, vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt tốt thị trường, hạn chế cạnh tranh về giá và tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu.
Nhìn nhận về thực tiễn thách thức cũng như đề ra giải pháp khắc phục, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cần phối hợp chặt chẽ giữa bà con ngư dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đảm bảo quá trình đánh bắt, truy xuất nguồn gốc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu mà đặc biệt là thị trường EU, giúp nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu ngành thủy sản.
“Trước hết là vấn đề về nhận thức của người ngư dân, để nắm được vấn đề này rất cần sự tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan liên quan của ngành thủy sản, ngành kiểm ngư và cảnh sát biển, cùng nhau hỗ trợ bà con ngư dân hiểu rõ và chấp hành tốt. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ về phương tiện để theo dõi, giám sát để đảm báo việc đánh cá phù hợp với tiêu chuẩn của EU đưa ra. Chứng minh thiện chí của Việt Nam trong việc tuân thủ quy định, làm sao để EU nhanh chóng tháo gỡ các biện pháp đang áp dụng hiện nay”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, từ nông sản đến thủy sản, khâu chế biến hiện nay còn yếu. Vì vậy, cần có những cơ chế chính sách phù hợp với doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy đầu tư sâu hơn vào chế biến các sản phẩm mang lại giá trị cao. Đặc biệt là khâu logistics, đảm bảo giá thành logistics giảm đi và khâu chế biến đảm bảo sản phẩm được bảo quản tốt hơn, chất lượng cao hơn.
Theo ý kiến từ các chuyên gia, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 có thể chạm mốc 9 – 9,2 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để tập trung gỡ khó cho các vấn đề tồn tại. Thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu sản phẩm dược liệu của thị trường trong nước.
Trước đó, tại văn bản số 639/TTg-KTTH ngày 12/7/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành, đơn vị liên quan xem xét, xử lý theo quy định, kiến nghị về việc điều chỉnh lãi suất cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng giải pháp quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.