Theo một báo cáo hồi năm 2022 của Climate Group, Nhật Bản – nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới – có thể mất 50% sản lượng xuất khẩu ô tô, hơn 14% GDP và gần 700 tỉ USD (80 nghìn tỉ yên) lợi nhuận vào năm 2040 nếu không nhanh chóng đón nhận cuộc cách mạng điện đang diễn ra trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Sai lầm chiến lược?
Nhật Bản đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi năng lượng của các phương tiện vận tải toàn cầu bởi họ ưu tiên sản xuất ô tô chạy bằng pin nhiên liệu hydro hơn là ô tô điện.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Barron’s, nhà phân tích Gregory Brew của Nhóm Năng lượng, Khí hậu và Nguồn lực tại Eurasia Group (Mỹ) và giáo sư kỹ thuật cơ khí Michael E. Webber của Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đánh giá Nhật Bản có vẻ đã mắc sai lầm chiến lược trong quá trình chuyển đổi năng lượng và điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế ô tô của họ. Đây là một vấn đề quan trọng mà các nước cần chú ý trong việc nghiên cứu chính sách công nghiệp của mình.
Nhật Bản rất coi trọng vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Thảm họa động đất – sóng thần gây thiệt hại lên nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 đã khiến nước này phải đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân và từ bỏ tầm nhìn về “nền kinh tế plutonium” để thay bằng “nền kinh tế hydro”. Nhật Bản là một trong những quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên nhận ra vai trò xuyên suốt và tiềm năng mang tính cách mạng của hydro trong nền kinh tế năng lượng mới. Họ đã thông qua chiến lược hydro quốc gia vào năm 2017, đưa ra nhiều ưu đãi mang tầm quốc gia như cam kết chi 107 tỉ USD trong 15 năm tới để phát triển chuỗi cung ứng hydro quốc gia. Đồng thời, Nhật Bản hướng tới mục tiêu tăng sản lượng hydro gấp 10 lần vào năm 2050.
Hydro có rất nhiều ứng dụng, từ nhiên liệu cho phương tiện đến sản xuất điện, sưởi ấm công nghiệp và sản xuất “thép xanh” thông qua việc sử dụng hydro để khử trực tiếp quặng sắt rắn… Các công ty công nghiệp Nhật Bản đã nắm bắt các công nghệ hydro một cách chắc chắn. Các gã khổng lồ công nghiệp như Toyota, Kawasaki và Honda là 3 trong số 13 thành viên đầu tiên của Hội đồng Hydro Thế giới (thành lập năm 2017). Sau đó, Sumitomo, Mitsubishi, Komatsu, Marubeni, Mitsui và Tokyo Gas cũng tham gia hội đồng này nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới một “xã hội hydro” mà các chính trị gia Nhật Bản rất hay viện dẫn khi thảo luận về tương lai năng lượng quốc gia.
Được sự khuyến khích của chính phủ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản coi các phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu hydro là công nghệ của tương lai, đồng thời cảnh giác với việc đầu tư mạnh vào việc sản xuất xe điện hạng sang do khó tiếp thị ở các nền kinh tế mới nổi. Toyota đã kiếm được hàng tỉ USD từ các mẫu xe lai của mình, bao gồm cả sự thành công của mẫu xe lai Prius trên đất Mỹ. Toyota, Nissan, Honda và nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã lên kế hoạch tập trung sản xuất dòng xe lai và xe chạy bằng pin nhiên liệu, do đó, không quan tâm nhiều đến thị trường xe điện.
Các chuyên gia đánh giá, cách đây 10 năm thì chiến lược này có vẻ hợp lý bởi thời điểm đó các thương hiệu xe điện phổ biến nhất thường tập trung vào người dùng thu nhập cao. Nhật Bản đã từ bỏ thị trường xe điện để theo đuổi giấc mơ hydro nhưng pin nhiên liệu đòi hỏi các thiết bị phức tạp hơn và cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu hydro về cơ bản là không tồn tại.
Hiện nay, các gã khổng lồ như Volkswagen, Ford và GM cùng những công ty mới nổi như Tesla, Rivian hay BYD của Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường xe điện. Việc Nhật Bản quá chú trọng vào chiến lược hydro đã khiến ngành công nghiệp ô tô của họ bị tụt lại phía sau. Toyota, Honda, Nissan và Suzuki đã trượt khỏi bảng xếp hạng các nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu tính theo doanh thu giai đoạn 2021- 2022.
Có vẻ như “nền kinh tế hydro” đang trở thành “ván cược sai lầm” của Nhật Bản bởi giờ đây các thị trường mới nổi rất ưu tiên sử dụng xe điện, nhất là xe điện giá rẻ của Trung Quốc. Theo báo cáo của S&P Global, năm 2022 Trung Quốc vượt Đức trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới với 3,32 triệu xe (tăng 57% so với năm 2021). Đáng chú ý, từ tháng 1 – 4.2023, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, lên khoảng 1,5 triệu chiếc, vượt qua cả Nhật Bản và Đức để chiếm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng toàn cầu và hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp với các hãng ô tô lâu đời trên thế giới.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hồi năm ngoái cũng giáng một đòn mạnh vào “nền kinh tế hydro” của Nhật Bản, khiến chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida phải cân nhắc việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân trong nước nhằm giải quyết các thách thức của nền kinh tế.
Đã đến lúc điều chỉnh
Một số chuyên gia cho rằng vị thế cường quốc ô tô của Nhật Bản thậm chí có thể đã kìm hãm sự chuyển dịch sang thị trường xe điện của nước này, song đã đến lúc phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ.
Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản được biết đến với cấu trúc kim tự tháp, trong đó các nhà sản xuất ô tô lớn đứng ở vị trí cao nhất so với một số nhà cung cấp khác. Vì cấu trúc này được thiết lập trong thời đại của xe chạy bằng động cơ nên việc chuyển đổi vội vàng sang xe điện sẽ là vấn đề đối với nhiều công ty cung cấp phụ tùng. Tuy nhiên, sớm muộn gì các nhà sản xuất ô tô cũng phải từ bỏ động cơ chạy bằng xăng bởi sự thay đổi sang xe điện đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu và không có gì có thể đảo ngược được. Hơn nữa, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng đã thấm nhuần bài học kinh nghiệm trong thời gian qua.
Mặc dù quá trình chuyển đổi năng lượng của Nhật Bản vẫn gắn chặt với việc phát triển chuỗi cung ứng hydro, nhưng họ đã chú trọng nhiều hơn vào việc khôi phục năng lượng hạt nhân và phát triển công suất phát điện tái tạo của đất nước, bao gồm cả năng lượng gió ngoài khơi. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi sang ô tô chạy bằng điện ở Nhật Bản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong vài năm tới, nhất là khi ngành ô tô Nhật Bản vốn có thế mạnh dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp.
Theo đó, Toyota đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch sản xuất của mình khi chuyển hướng sang phát triển dòng xe điện mới. Tháng 11.2022, Toyota đã bán hết 1.000 chiếc Toyota bZ4X phân bổ cho thị trường Thái Lan trong đợt đầu tiên chỉ 1 giờ sau khi mở bán. Nissan có kế hoạch tung ra phiên bản thuần điện của các mẫu Nissan X-Trail, Juke và Qashqai từ năm 2025 đến 2027, được trang bị pin tiên tiến với hiệu suất hoạt động tốt hơn nhưng chi phí thấp hơn. Dự kiến, các mẫu xe điện này của Nissan sẽ có phạm vi hoạt động trên 500 km với tốc độ sạc nhanh lên đến 40 kW.
Sony và Honda đã thành lập liên minh để chinh phục thị trường xe điện, tập trung vào phân khúc cao cấp. Dự kiến, hãng sẽ bắt đầu ra mắt xe điện vào năm 2025 để cạnh tranh với các đối thủ truyền thống như Tesla, Volkswagen hay các thương hiệu xe điện Xiaomi của Trung Quốc hay Foxconn của Đài Loan. Các dòng xe của Sony Honda sẽ được lắp ráp tại các cơ sở Bắc Mỹ của Honda và khách hàng ở khu vực Bắc Mỹ của Sony Honda sẽ được tiếp cận xe điện đầu tiên vào đầu năm 2026, tiếp theo là Nhật Bản vào nửa cuối năm 2026 và thị trường châu Âu sau đó.
Có nhiều khả năng các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản sẽ phục hồi sau khi sa sút nghiêm trọng trên thị trường trong thời gian qua. Từ trường hợp của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể rút ra bài học lớn về việc cần phải đa dạng hóa quá trình chuyển đổi năng lượng bởi hiện nay có rất nhiều công nghệ tiềm năng đang tranh giành lợi thế.
Tuy nhiên, những gì mà chính phủ Nhật Bản và ngành công nghiệp ô tô nước này đang làm để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường cũng là những kinh nghiệm quý giá về việc tránh bị bỏ lại phía sau. Hơn nữa, điều quan trọng trong ván cược về năng lượng của một quốc gia là cần phải có sự điều phối một cách hợp lý để vừa đáp ứng được các mục tiêu chính sách, an ninh năng lượng vừa không làm bỏ lỡ các động lực cơ bản của thị trường.