>>Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đôn đốc Tổng cục Thuế nhanh chóng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp
Theo đó, với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu đang được kiểm tra, xác minh đã quá thời hạn giải quyết theo quy định, Tổng cục Thuế chỉ đạo nếu kết quả kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện các hành vi gian lận về thuế thì cơ quan thuế căn cứ hồ sơ và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định.
“Trường hợp sau khi giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có hành vi kê khai sai về số thuế đề nghị hoàn thuế thì doanh nghiệp phải nộp lại số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp theo quy định, đồng thời doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình”, Tổng cục Thuế chỉ đạo.
Với các hồ sơ cơ quan thuế phát hiện các hành vi, dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước thì củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan công an điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp được biết và căn cứ kết luận của các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục trưởng cục thuế tham gia trực tiếp và phân công các cục phó rà soát đến từng hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Đặc biệt các hồ sơ đã được phân loại kiểm tra trước, hoàn thuế sau để đẩy nhanh công tác kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế.
“Các cục thuế phải sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là hồ sơ của các doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo đến hết tháng 9/2023, kết quả hoàn thuế VAT đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022”, Tổng cục Thuế yêu cầu.
Tổng cục Thuế phải ban hành công điện trên bởi căng thẳng chưa có hồi kết giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đã diễn ra gần hai năm qua và ngày càng lan rộng. Doanh nghiệp than đã “hết oxy để thở” vì bị ách tiền thuế làm đứt gãy dòng tiền.
Không khiếu nại được ở cơ quan thuế địa phương, doanh nghiệp đã kêu cứu lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và cả Quốc hội. Do cơ quan thuế và doanh nghiệp không có tiếng nói chung nên doanh nghiệp kiến nghị cần phải có phiên điều trần về hoàn thuế VAT để xem ai đúng ai sai.
Chia sẻ về việc chậm hoàn thuế VAT, ông Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Công ty LiOA cho biết LiOA không được hoàn thuế VAT từ đầu năm 2023 đến nay với số tiền chậm hoàn thuế lên đến hơn 200 tỉ đồng.
“LiOA đang đứng trước nguy cơ phá sản khiến 2.000 công nhân thất nghiệp, không có thu nhập vì bị đứt gãy dòng tiền do bị chậm hoàn thuế VAT. Trong số hơn 200 tỉ đồng tiền chậm hoàn thuế, LiOA ở Đồng Nai bị chậm khoảng 150 tỉ đồng, LiOA Bắc Ninh 30 tỉ, còn LiOA ở Hà Nội 23 tỉ”, ông Linh nói.
>>Doanh nghiệp chờ tiền hoàn thuế VAT đến bao giờ?
>>Vướng mắc hoàn thuế VAT: Bộ NN&PTNT khẳng định xác minh nguồn gốc gỗ chưa phù hợp
Còn theo ông Ngô Sĩ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, theo thống kê sơ bộ, ước tính số tiền mà các doanh nghiệp ngành gỗ bị chậm hoàn thuế VAT đã lên tới hơn 6.000 tỉ đồng, trên thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. Điều này gây tổn thất rất lớn cho các doanh nghiệp gỗ trong bối cảnh chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ hết sức khó khăn như hiện nay.
“Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế VAT một cách nhanh chóng và kịp thời cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành gỗ, trước ngày 28/5. Nhưng cho đến nay đã hơn hai tháng nhiều hồ sơ của doanh nghiệp gỗ vẫn chưa có câu trả lời”, ông Hoài bày tỏ.
Ông Hoài đánh giá, việc cơ quan thuế đưa doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào diện rủi ro và thực hiện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” là gây bất lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì để hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, cơ quan thuế truy xuất nguồn gốc của gỗ đến tận hộ nông dân trồng rừng. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 1 triệu hộ trồng rừng ở khắp cả nước. Mỗi hộ có vài ha, thậm chí chỉ 1ha rừng trồng cây keo.
Ngoài truy xuất đến tận người nông dân trồng rừng, cơ quan thuế còn xác minh chuỗi cung ứng của sản phẩm qua các thương lái, tham gia các khâu khai thác, vận xuất và thu gom gỗ, rồi sơ chế xẻ/sấy gỗ và vận chuyển cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp đầu chuỗi chế biến ra sản phẩm xuất khẩu.
Việc truy xuất và xác minh đầu vào này làm mất rất nhiều thời gian, thậm chí không khả thi khiến việc hoàn thuế kéo dài hoặc không thực hiện được, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Do đó, ông Hoài đề nghị đưa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ra khỏi danh sách rủi ro.
“Thực tế có thể có một vài hoặc vài chục doanh nghiệp sai phạm mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, nhưng không phải vì thế mà đánh đồng doanh nghiệp nào cũng gian lận để áp dụng một quy trình hoàn thuế rất gian nan với các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Hoài nhấn mạnh.