Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh khi trả lời chất vấn về pháp lý liên quan đến IUU, chiều 15/8.

Gỡ “thẻ vàng” IUU phải đi liền với đảm bảo tính bền vững

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, so sánh với Philippines hay Thái Lan cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. 

“Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và khẳng định đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.

Về quy hoạch khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác – nuôi trồng – bảo tồn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển.

Tuy nhiên về nguồn lực đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng đến này mới chỉ đạt 0,17%. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế, giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ hiện nay cấu trúc ngành thủy sản nước ta còn manh mún, do đó, các cơ quan phải cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm, cùng với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý được tốt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới thực hiện tốt hơn Đề án quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như Đề án phát triển khu bảo tồn.

Gỡ “thẻ vàng” IUU phải đi liền với đảm bảo tính bền vững

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”. Theo Bộ trưởng, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.

Bày tỏ thống nhất với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc “gỡ thẻ vàng” không chỉ là mục tiêu duy nhất mà quan trọng là cải thiện môi trường biển, tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng với thực trạng hiện nay, vì lợi ích kinh tế, vì mưu sinh, việc đánh bắt thủy hải sản hiện nay đã làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, môi trường biển bị ảnh hưởng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cùng với giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt trái phép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tính tới việc quy định đánh bắt hải sản theo mùa, theo đặc tính sinh sản, sinh trưởng của thủy hải sản?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng “gửi gắm” đến lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Đồng thời nâng cao năng lực, kỹ năng đi biển và trách nhiệm của ngư dân.

Phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, phải siết chặt cả đầu và đầu ra, thay đổi cách quản trị, cùng với sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng thì mới có thể giải quyết thành công vấn đề.