Trong một văn bản gửi đến quốc hội, ông Biden nói ông dự định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa liên quan sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc “trong các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng hoạt động mạng”.
Đề xuất nhắm mục tiêu đầu tư vào các công ty Trung Quốc phát triển phần mềm để thiết kế chip và các công cụ để sản xuất chúng. Theo Reuters, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị các lĩnh vực này, và chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các giải pháp thay thế trong nước.
Động thái của Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù các quan chức Nhà Trắng khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia và không chia cắt nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau của 2 bên.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer ca ngợi sắc lệnh của ông Biden. “Hôm nay, Mỹ đang thực hiện bước đi chiến lược đầu tiên để đảm bảo đầu tư của Mỹ không dùng để tài trợ cho sự tiến bộ quân sự của Trung Quốc”, theo ông Schumer.
Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa cho biết lệnh của Biden chưa đi đủ xa. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, thành viên đảng Cộng hòa, ca ngợi động thái hạn chế các khoản đầu tư mới ra nước ngoài vào Trung Quốc nhưng cho biết “việc không tính đến các khoản đầu tư công nghệ hiện có cũng như các lĩnh vực như công nghệ sinh học và năng lượng là điều đáng lo ngại”.
Người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa phản hồi bình luận. Tuy nhiên, cơ quan này ngày 4.8 nói Mỹ “thường xuyên chính trị hóa các vấn đề công nghệ và thương mại và sử dụng chúng như một công cụ và vũ khí nhân danh an ninh quốc gia”.