Từ vị trí là nhà cung cấp hàng hóa số 1 cho Mỹ suốt 10 năm qua, lần đầu tiên Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ 3 trong số các nhà nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ đóng góp 1/3 tăng trưởng GDP thế giới trong năm nay. Song các dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang đón nhận những “cơn gió ngược” trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới liên tiếp 2 ngày qua đón nhận những số liệu không mấy tích cực liên quan đến xuất nhập khẩu. Đồng thời, lần đầu tiên kể từ năm 2020 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) đều giảm.
Số liệu thương mại giảm trong tháng 7 được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố đang tạo ra sức ép cho sự phục hồi của nền kinh tế nước này hậu COVID-19.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 giảm tháng thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Đây là mức giảm mạnh nhất 3 năm. Nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh khi các áp lực trong nước làm suy yếu sự phục hồi hậu dịch bệnh.
Bên cạnh đó, theo CNBC, lần đầu tiên sau 2 năm, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo chủ chốt của lạm phát, trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 4,4% trong cùng giai đoạn, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Giá sản xuất giảm đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi xuống.
Bên cạnh sự suy giảm về tình hình thương mại kể trên thì số liệu mới nhất cũng đang chỉ ra, dòng vốn FDI vào Trung Quốc trong quý 2 vừa qua cũng đã giảm xuống mức thấp nhất 25 năm.
Theo đó, vốn FDI được rót vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt 4,9 tỷ USD – giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vị thế công xưởng sản xuất thế giới của Trung Quốc được cho là đang bị ảnh hưởng (Ảnh: china-briefing)
Một số chuyên gia cho rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu, cùng với tình trạng lạm phát cao, đã góp phần khiến nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc yếu đi trong những tháng vừa qua. Bên cạnh đó, vị thế công xưởng sản xuất thế giới của Trung Quốc được cho là đang bị ảnh hưởng.
Việc điều chỉnh nhiều chính sách thương mại theo hướng siết chặt từ Mỹ và châu Âu với Trung Quốc được xem là nguyên nhân quan trọng nhất khiến tình hình xuất khẩu của nước này giảm mạnh những tháng gần đây.
“Chính sách giảm rủi ro của EU đối với Trung Quốc thay đổi về cách thức xuất nhập khẩu với các mặt hàng từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu.
Với Mỹ, vấn đề lớn nhất là đến từ các chính sách thay đổi về thương mại, cũng như những chính sách thay đổi về rủi ro đối với chuỗi cung ứng, rủi ro về địa chính trị, mà Trung Quốc và Mỹ đang phải đối diện”, Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) đánh giá.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức đều khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc để đặt sản xuất ở những nước có vị trí địa lý gần hơn thông qua chiến lược “Near-shoring” hoặc có quan hệ đối tác gần gũi hơn bằng chiến lược “Friend-shoring”.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân gián tiếp khác cũng khiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó là các quy tắc xuất xứ mới trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa châu Á với châu Âu và Mỹ Latinh, cho phép đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nguyên, phụ liệu hay linh kiện.
“Sự xuất hiện của các FTA trực tiếp đã tạo ra sự điều chỉnh về luồng thương mại mới. Điều này khiến cho rất nhiều nước dù vẫn xuất khẩu hàng hóa dựa trên nguyên tắc gia công chế biến, nhưng họ sẽ ưu tiên hơn nguồn gốc nhâp khẩu từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ chính sách ưu đãi dựa trên FTA hoặc không bị các chính sách kiểm soát hoặc cấm nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu”, Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành đánh giá.
Hệ quả là, từ vị trí là nhà cung cấp hàng hóa số 1 cho Mỹ suốt 10 năm qua, lần đầu tiên Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ 3 trong số các nhà nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thương mại EU-Trung Quốc cũng đang chậm lại.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...