Trọng tâm của gói hỗ trợ này là tạo ra một chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 17 nghìn tỉ won dành riêng cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc. Ngân sách này đánh dấu "sự mạnh tay" của chính phủ Hàn Quốc, vượt xa khoản tài trợ chính sách khoảng 3,6 nghìn tỉ won trước đó. Ngoài ra, Chính phủ cũng có kế hoạch gia hạn thời gian miễn giảm thuế, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay, để tạo điều kiện cho đầu tư quy mô lớn vào các dự án cụm siêu bán dẫn ở tỉnh Gyeonggi.
Tổng thống Yoon cho biết một quỹ công nghiệp chip trị giá 1 nghìn tỉ won sẽ được thành lập để hỗ trợ các công ty sản xuất linh kiện và sản phẩm chip, đồng thời cơ sở hạ tầng R&D sẽ được xây dựng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cam kết đầu tư 5 nghìn tỉ won để đào tạo nhân tài cho các dự án R&D của ngành chip trong giai đoạn từ năm 2025 - 2027, tăng nhiều so với khoản đầu tư khoảng 3 nghìn tỉ won từ năm 2022 - 2024.
Ông Yoon nhấn mạnh gói hỗ trợ được thiết kế để mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Nếu các công ty mở rộng đầu tư và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn thông qua hỗ trợ thuế, công chúng sẽ được hưởng lợi khi có nhiều công việc chất lượng hơn, từ đó phục hồi nền kinh tế và tăng nguồn thuế".
Để củng cố vị thế của đất nước trong ngành bán dẫn, Tổng thống Yoon cũng kêu gọi các bộ liên quan đưa ra các biện pháp hỗ trợ hệ thống các doanh nghiệp bán dẫn và xưởng đúc để giúp họ thu hẹp khoảng cách với các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Tập đoàn Samsung Electronics và SK Hynix dẫn đầu thế giới về sản xuất chip nhớ, nhưng thị phần của 2 ông lớn này trong lĩnh vực đúc chip lại tụt hậu nhiều so với tập đoàn TSMC của Đài Loan. "Chính phủ dường như đang cố gắng đi theo xu hướng các quốc gia khác - trợ cấp cho các công ty sản xuất chip nội địa", theo Reuters dẫn lời ông Greg Roh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty tài chính Hyundai Motor Securities (Hàn Quốc).