Điện khi LNG giúp ngành điện phát triển xanh hơn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, những năm gần đây, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022. Tại Việt Nam, theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên và đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 – 16 tỷ m3 vào năm 2045.
Ông Bùi Quốc Hùng đánh giá, mặt thuận lợi cho điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam. Chính phủ đang trong quá trình xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách để có thể đưa LNG vào Việt Nam.
“Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khi LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay”, ông Bùi Quốc Hùng đánh giá.
Đề cập tới các cơ hội cho điện khí LNG, ông Bùi Quốc Hùng nhìn nhận, điện khí là nguồn điện lớn có khả năng vận hành ổn định, hiệu suất cao (có thể đạt trên 62%) có khả năng bù đắp thiếu hụt công suất tức thời cho hệ thống (trong trường hợp các nguồn năng lượng tái tạo dừng phát điện) do các nhà máy điện khí có khả năng khởi động nhanh.
Có nhiều địa điểm thuận lợi về mặt hạ tầng để phát triển các dự án LNG tại Việt Nam là một trong những lợi thế để có thể hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế – xã hội nhiều địa phương trong tương lai.
Ngoài ra, thị trường cung cấp LNG trên thế giới trong thời gian tới dồi dào với giá cả cạnh tranh. Hiện nay các nước như Mỹ, Nga, Australia đang xây dựng nhiều nhà máy sản xuất LNG đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư quan tâm sẽ đảm bảo tính cạnh tranh và có nhiều sự lựa chọn tốt cho dự án.
Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Hùng cũng chỉ ra hàng loạt những khó khăn thách thức đối với điện khí như: Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh; vấn đề về kho chứa; kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện – khi LNG, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.
Từ đó, ông Bùi Quốc Hùng đề xuất giải pháp, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế đặc thù cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện.
Vẫn còn nhiều thách thức
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn nhất là về giá, đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, về cầu, quan trọng cho khí LNG chính là điện khí, cần phải tập trung phát triển. Giá cả làm sao phải cho phù hợp, bên cạnh tự do hóa giá cả, do thị trường quyết định, Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, điện khi cũng không ngoại lệ.
Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu LNG đang nổi lên là một xu thế tất yếu trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá.
Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện.
“Vậy nên cần nghiên cứu thành lập một hoặc một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện. Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước” PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.
Từ thực tế triển khai các dự án LNG trong thời gian qua của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), ông Huỳnh Quang Hải – Phó Tổng giám đốc PVGas cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, thách thức trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII. Trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ chế chính sách sử dụng LNG cho phát điện.
Theo ông Hải, hiện chúng ta chưa có cơ chế chuyển ngang giá khi LNG tái hóa từ hợp đồng mua bán khi sang hợp đồng mua bán điện, phê duyệt cước phí qua kho và đường ống đưa LNG đến nhà máy điện, nguyên tắc phân bổ LNG nhập khẩu cùng với các nguồn khí nội địa cho các nhà máy điện.
“Chúng ta cũng chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về LNG để đảm bảo việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật LNG đảm bảo an toàn phù hợp với các thông lệ quốc tế. Vì vậy, cần phải rà soát, cập nhật, bổ sung và xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về LNG, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện phát triển các dự án điện khí LNG và thị trường LNG trong tương lai”, ông Hải đánh giá
Ông Huỳnh Quang Hải kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện như: Cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa và bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện; phê duyệt cước phí qua kho, cước phí đường ống.
Bên cạnh đó, để tối ưu đầu tư hạ tầng kho chứa, cảng biển giúp giảm cước phí, giá khí LNG tái hóa và giảm giá thành phát điện, các cơ quan quản lý cần xem xét triển khai xây dựng các kho LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh”. Đồng thời, cần lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm để triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trong quy hoạch.