Ngay sau khi Bộ Công Thương công bố Dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị Bộ Công Thương cần mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi như mái nhà khu công nghiệp, bệnh viện, trường học…
Theo TS Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguồn năng lượng tái tạo này chỉ mục đích phục vụ tại chỗ, không phát lên lưới thì không ảnh hưởng đến khả năng truyền tải, nhưng giải quyết rất lớn tình trạng thiếu điện vào mùa cao điểm.
“Nếu chỉ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà đơn lẻ trên mái từng hộ dân, công sở sẽ rất khó đạt được mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải và tham gia vào chiến lược phát triển năng lượng xanh của đất nước”, TS Mai Duy Thiện nói.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện cho biết, công ty đã phải tốn hàng chục tỷ đồng cho hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng sản xuất ở Bình Dương với mục đích vừa dùng vừa bán điện dư thừa.
Nhưng chính sách mới này khiến cho công ty thiệt hại và lãng phí rất lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp khác muốn được chia sẻ điện. “Nếu cho tự sản tự tiêu thì có thể không bán điện lên lưới, nhưng được bán cho tổ chức, cá nhân khác dùng chung để tránh lãng phí điện năng, cũng giúp EVN đỡ áp lực đầu tư nguồn điện”, ông Nam bày tỏ.
Bình luận về những bất cập khi lắp điện mặt trời mái nhà ở nhà dân, TS. Lê Hải Hưng, Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, ban ngày nhu cầu sử dụng điện nhiều thì điện mặt trời chưa phát. Ban trưa phát tốt nhất thì không ai ở nhà. Buổi tối về nhà nhu cầu dùng điện rất cao thì hết nắng. Nếu tự sản tự tiêu được tại sao không cho nhiều đối tượng lắp đặt?
Trong khi, các doanh nghiệp cho rằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà hoàn toàn nằm trong khả năng của họ vì nhu cầu thiết thân của họ. Đơn cử, Nhà máy bia AB InBev tại khu công nghiệp VSIP II-A ở tỉnh Bình Dương đang vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất được hơn 840.000 kWh/năm, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu điện sử dụng mỗi năm của họ.
Việc trang bị điện mái nhà tự sản tự tiêu cho sản xuất không chỉ giải quyết nhu cầu về điện mà còn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ đáp ứng quy định xanh hóa sản phẩm. Hiện các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu ở Việt Nam đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển sang dùng năng lượng tái tạo để đáp ứng “chứng chỉ xanh” trong sản phẩm do các nước nhập khẩu quy định.
Ngành dệt may là lĩnh vực bắt đầu bước chuyển xanh hóa sản phẩm, song các doanh nghiệp vẫn rất chật vật khi muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu nhà xưởng của chính họ. Tuy nhiên, chiếc “chìa khóa” để doanh nghiệp kỳ vọng mở ra “cánh cửa xanh hóa” là điện mặt trời tự sản tự tiêu thì đến thời điểm hiện nay vẫn chưa tìm được hướng ra.
Giải thích về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng phát triển điện mặt trời mái nhà cho nhà xưởng, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn cần thời gian nghiên cứu, thẩm định. Việc này nhằm kiểm soát công suất phù hợp hệ thống, tránh gây áp lực lên lưới điện, phát triển ồ ạt.
Việc chưa đưa ra cơ chế phát triển ĐMTMN ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay, cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối, đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn.
Quan điểm của Bộ Công Thương không sai, vì điện mặt trời là loại năng lượng tái tạo kém ổn định nhất. Vì vậy, nếu để các doanh nghiệp tự do phát triển điện mặt trời để tự tiêu thụ thì ngành điện sẽ phải có thêm nhiều nguồn điện dự phòng hơn để đáp ứng nhu cầu vào buổi tối. Đặc biệt là cần cả nguồn điện có thể huy động tức thời, như thủy điện, nhiệt điện chạy dầu để đáp ứng trong những lúc trời đột nhiên tắt nắng. Như vậy, giá thành điện sẽ tăng và tất yếu giá bán điện phải tăng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai năng lượng tái tạo cho sản xuất không chỉ để có thêm nguồn điện, có đơn hàng xuất khẩu mà còn để đáp ứng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zezo) vào năm 2050 đã được Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26. Do đó, doanh nghiệp rất trông đợi Bộ Công Thương sớm hoàn tất các nghiên cứu, thẩm định việc triển khai điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu cho sản xuất để yên tâm với lộ trình xanh hóa sản xuất.