IPO của Stripe cũng được kỳ vọng diễn ra trong năm 2024, khi thị trường được cải thiện và ngành công nghệ tài chính phục hồi trở lại.
Stripe là một công ty dịch vụ tài chính của Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán bằng cách bán hệ thống chấp – nhận – thanh – toán – bằng – thẻ – ngân – hàng (POS) và có các kết nối cho công cụ thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhận được tiền thanh toán từ khách hàng.
Trong nhiều năm qua, đã có không ít cuộc thảo luận và trao đổi diễn ra xoay quanh chủ đề khi nào thì Stripe thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)? Dù đã mời hẳn một công ty luật tham vấn cho quá trình này, nhưng sự kiện IPO vẫn tiếp tục bị trì hoãn với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Trong khi thị trường IPO giảm sút, lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính, nơi Stripe hoạt động, cũng không mấy khả quan. Và khi năm 2023 chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc, theo đó, IPO của Stripe cũng được kỳ vọng diễn ra trong năm 2024, khi thị trường được cải thiện và ngành công nghệ tài chính phục hồi trở lại. Cũng có thông tin rằng, công ty đang cân nhắc tới lựa chọn niêm yết trực tiếp thay vì quá trình IPO truyền thống.
Stripe được thành lập vào năm 2009 bởi anh em nhà Collison, Patrick Collison và John Collison. Stripe có hai trụ sở chính, được đặt tại San Francisco và Dublin, Ireland.
Khi là một công ty xử lý thanh toán, Stripe có thể hỗ trợ doanh nghiệp chấp nhận nhiều phương thức thanh toán dưới nhiều hình thức khác nhau. Các khoản thanh toán sẽ được chuyển vào tài khoản người bán tại Stripe, và được kết chuyển tự động vào tài khoản doanh nghiệp vào ngày làm việc tiếp theo.
Ngoài cung cấp dịch vụ thanh toán, Stripe cũng cung cấp các dịch vụ sau đây: Thanh toán doanh nghiệp, Phát hành thẻ, Công cụ tính toán thuế, Dịch vụ bảo vệ danh tính, Bảo vệ và chống gian lận, Quản trị hàng tồn kho.
Khi sử dụng Stripe để thực hiện thanh toán tại quầy hoặc nền tảng thương mại, thì tiền phí là 5 cents cho mỗi giao dịch cộng (+) thêm 2.7% giá trị giao dịch nếu thanh toán tại quầy, và 30 cents cho mỗi giao dịch cộng (+) thêm 2.9% nếu thanh toán trên các trang thương mại điện tử.
Mức phí này là cố định, áp dụng cho toàn bộ các loại thẻ và ví điện tử, bao gồm Visa, Mastercard, Maestro, American Express, Discover, JCB, Apple Pay và Google Pay. Các phương pháp tích hợp cũng có sẵn cho những phương thức thanh toán toàn cầu khác, như Giropay. Stripe sở hữu 68.02% công nghệ xử lý thanh toán thương mại điện tử tại Mỹ tính đến năm 2023. Hơn 30% lượng khách hàng của Stripe đến từ Mỹ.
Tổng số lượng các trang web trực tiếp sử dụng Stripe là 1.187.253. Có 3,16% trong số 1 triệu các trang web hàng đầu sử dụng Stripe để xử lý thanh toán. Stripe đã tạo ra 14 tỷ USD vào năm 2022, trong khi kết quả năm 2021 là 12 tỷ USD. Doanh thu thuần của Stripe trong năm 2021 là 2,5 tỷ USD. Trong năm 2022, Stripe xử lý lên tới 817 tỷ USD giá trị các khoản giao dịch, tăng 26% so với con số 640 tỷ của năm 2021. Tính đến năm 2022, 2,255 tỷ USD là doanh thu tại thị trường châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á Thái Bình Dương.
Chi phí nhân viên của công ty vào năm 2022 đã tăng 130 triệu USD lên tới 294,9 triệu USD, bao gồm chi phí tiền lương là 250 triệu USD. Chi phí nhân viên (bao gồm các khoản thanh toán dựa trên cổ phiếu hình thành từ vốn chủ sở hữu) trị giá 12,9 triệu USD.
Trong số tiền 250 triệu USD thanh toán cho nhân viên, mức lương bình quân là khoảng 140 nghìn USD mỗi năm. Mức lương của các quản lý chủ chốt có tổng vào khoảng 4 triệu USD, bao gồm cả khoản thanh toán bằng cổ phiếu trị giá 500 nghìn USD.
Trong năm 2022, công ty nhận được thêm một khoản vốn góp mới trị giá 227 triệu USD, làm tăng dự trữ vốn góp lên tới 377,85 triệu USD. Stripe có thể được truy cập ở 47 quốc gia trên thế giới. Giá trị của công ty hiện được ước tính vào khoảng 50 tỷ USD, Stripe được xem là công ty công nghệ được sở hữu riêng lớn nhất trên thế giới.
Theo thông báo vào ngày thứ Năm tuần trước, Stripe hiện đã hợp tác với hãng hàng không Alaska Airlines để thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán không tiếp xúc cho những giao dịch mua hàng trên chuyến bay.
Việc hợp tác này sẽ cho phép các thành viên phi hành đoàn chấp nhận thanh toán thông qua chức năng chạm-để-thanh-toán (tap-to-pay) của Apple nhờ vào những chiếc điện thoại iPhone được công ty quản lý và được các tiếp viên sử dụng. Trước khi việc hợp tác này diễn ra, các thành viên phi hành đoàn chỉ có thể chấp nhận thanh toán thông qua một thiết bị quẹt-thẻ riêng biệt.
Trong giai đoạn đầu, các khoản thanh toán không tiếp xúc này sẽ được áp dụng trên một số chuyến bay chọn lọc của hãng Alaska Airlines, và dự kiến sẽ phủ sóng toàn bộ mọi chuyến bay trong vòng vài tháng tiếp sau đó.
Bên cạnh Alaska Airlines, Stripe cũng thực hiện một chiến dịch tiếp cận vào ngành công nghiệp hàng không khác khi Sân bay London Gatwick công bố rằng họ sẽ sử dụng phương thức thanh toán của công ty để nâng cấp dịch vụ thanh toán cho khoảng 40.000 chỗ đỗ xe trong sân bay.
Nguồn: vtv.vn