Đó là nội dung được đại diện Kho bạc Nhà nước TP.HCM, thông tin tại phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ tháng 5, chiều 31/5/2024.

Vì sao trong 5 tháng TP.HCM chỉ giải ngân được 11.000 tỉ vốn đầu tư công?

Trong 5 tháng, TP.HCM chỉ mới giải ngân được khoảng 11.000 tỉ đồng, đạt 13,7% kế hoạch, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Giải ngân thấp hơn mục tiêu đề ra

Cụ thể, báo cáo tại phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ tháng 5/2024, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết: về đầu tư công, dự kiến hết tháng 5, TP.HCM giải ngân khoảng 11.000 tỉ đồng, đạt 13,7% kế hoạch, thấp hơn mục tiêu đề ra.

“Trong những ngày cuối quý 1/2024, các đơn vị đã có sự thúc đẩy tinh thần làm việc thì có ngày giải ngân được 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến tháng 4 và 5/2024, bình quân mỗi tuần chỉ giải ngân từ 150 - 180 tỉ đồng. Tức là “hết đợt thi đua cao điểm”, thì các đơn vị trở lại làm việc cầm chừng", ông Hải nhận xét.

Nêu những tồn tại trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, ông Hải cho rằng, các nguyên nhân khó khăn về vật liệu, mặt bằng không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân thấp như 2 tháng vừa qua. Do đó, ông Hải đề nghị cần phát động đợt thi đua cao điểm và kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu để đôn đốc việc giải ngân.

Giải trình về lý do giải ngân đầu tư công thấp không đạt được như kỳ vọng, Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (BQL Đô thị), cho rằng năm 2024, BQL Đô thị có 53 dự án với khoảng 12.900 tỉ đồng, trong đó dự án bờ Bắc Kênh Đôi và rạch Xuyên Tâm có vốn giải phóng mặt bằng lên tới hơn 8.900 tỉ đồng.

Tại dự án rạch Xuyên Tâm, trên địa bàn quận Bình Thạnh có vốn 5.400 tỉ đồng, nhưng địa phương chưa có phương án chi trả bồi thường; với phần xây lắp khoảng 800 tỉ đồng, Ban sẽ tổ chức khởi công vào tháng 8.

Cũng theo đại diện BQL Đô thị, nguyên nhân chính xuất phát từ việc không thể giải phóng được mặt bằng đã khiến cho dự án không thể triển khai và điều này đã dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Tương tự, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết, trong tổng vốn đầu tư công của TP.HCM thì dự án đường vành đai 3 chiếm tới 50%, trong đó, khó khăn lớn nhất đối với dự án này là nguồn VLXD san lấp. Trong tháng 6, dự án đang cần khoảng 1 triệu mét khối cát để gia tải, phục vụ cho dự án.

Do nhà thầu yếu kém

Đánh giá về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp tại các dự án trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, cho rằng, các dự án đang triển khai giải ngân thấp do năng lực nhà thầu và việc điều hành chủ đầu tư cùng với tình trạng thiếu vật liệu thi công. Đối với dự án mới, ông Lâm cho rằng nếu khâu chuẩn bị không kỹ, hồ sơ gửi lên sẽ bị trả về, điển hình là dự án Vành đai 2.

Nhận định và đánh giá về những tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, công tác giải ngân đầu tư công hiện rất đáng lo, bởi TP.HCM đặt mục tiêu mỗi tuần giải ngân từ 3.500 - 4.000 tỉ đồng nhưng thực tế chưa tới 200 tỉ đồng. Giải ngân những tháng đầu năm khá thấp gây áp lực lên những tháng cuối năm, thậm chí phải chuyển vốn sang năm 2025. Ngoài dự án Vành đai 2, dự án bờ bắc Kênh Đôi trên địa bàn Q.8 dự kiến có một phần lớn nguồn vốn phải chuyển sang năm sau.
“Không vì mấy trăm tỉ do giá VLXD tăng lên mà để ảnh hưởng tới tiến độ các dự án hàng chục nghìn tỉ đồng”, ông Mãi nhấn mạnh.

Đối với dự án bờ Bắc Kênh Đôi và rạch Xuyên Tâm, ông Mãi đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và UBND Q.8 ngồi lại với nhau để xử lý, tạo chuyển biến thật sự chứ cứ nói qua nói lại thì rất chậm.

Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2024, ông Mãi yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, triển khai dự án trọng điểm, đưa công trình vào sử dụng. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ kiểm tra việc khắc phục các điểm nghẽn về cải cách hành chính, tổ chức hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa các sở, ngành với quận, huyện. Về nhiệm vụ cụ thể, ông Mãi đề nghị tập trung giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính của các dự án bất động sản, vướng mắc của dự án chống ngập, đầu tư nhà ở xã hội.