Lực kéo đầu tư tư nhân

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023

Đây là điểm ngoại lệ trong bối cảnh năm 2023 tỷ lệ chi cho đầu tư công của Việt Nam cao nhất trong khu vực, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp sẽ tạo lực đẩy cho thu hút đầu tư tư nhân. Thế nhưng, đầu tư tư nhân vẫn giảm cho thấy sự tác động này chưa mạnh. Nhận định về “cơn gió ngược” tác động đến sức khoẻ khu vực đang chiếm hơn 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023, TS. Phạm Thế Anh- Trưởng khoa Kinh tế học trường đại học Kinh tế Quốc dân đề cập đến 2 nguyên nhân, gồm những tác động từ kinh tế thế giới và vấn đề nội tại trong nước.

Thứ nhất, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra: tiêu dùng tăng trưởng thấp và xuất khẩu giảm, nhất là ở nhiều ngành có vai trò của doanh nghiệp tư nhân rất lớn. Do vậy, dù cơ sở hạ tầng có được cải thiện tốt thế nào, trong ngắn hạn doanh nghiệp chưa thể đầu tư hay mở rộng sản xuất.

Thứ hai, một số cản trở đến từ môi trường kinh doanh, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do lãi suất còn cao, chất lượng tài sản đảm bảo giảm sút trong khi việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu tạo nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn trước. Dự báo năm 2024, các nguồn tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân tiếp tục gặp khó, chưa có dấu hiệu cải thiện.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực- thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, đầu ra sản xuất gặp khó khăn, niềm tin giảm sút là những lý do khiến đầu tư tư nhân giảm mạnh trong các năm gần đây. Theo tính toán của chuyên gia, tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cần phải tăng gấp đôi, khoảng từ 6-7% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có 2 nội dung Việt Nam cần thực hiện để kích cầu đầu tư tư nhân, theo TS. Cấn Văn Lực đề xuất là lấy lại niềm tin và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.

“Gốc rễ” của thúc đẩy đầu tư tư nhân, một lần nữa, lại được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh chính là cải cách mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh. Thực tế, dù có nhiều nỗ lực của Chính phủ nhưng gần đây, doanh nghiệp “kêu” nhiều về thủ tục hành chính rườm rà, môi trường kinh doanh có một số tín hiệu xấu đi.

Trong đó, có nhiều nội dung quy định gây bối rối, khó hiểu, khó thực thi trên thực tế cho doanh nghiệp đã tồn tại mấy năm qua như quy định xác định chế biến thuỷ sản là hoạt động chế biến để áp dụng chính sách thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp; vướng mắc trong thực hiện quy định EPR; tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng cháy chữa cháy…

Giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư tư nhân được các chuyên gia kinh tế kiến nghị là cần tiếp tục cắt bỏ các quy định nội dung bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn góp phần giảm chi phí thực thi và thời gian cho doanh nghiệp. Cùng với đó, gỡ bỏ rào cản pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng để khơi thông thị trường.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, rào cản cũng chính là bù đắp phần nào khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu và là giải pháp quan trọng tạo dựng niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp.