PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: 4 giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại Long An

Diễn đàn do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Sở KH&ĐT Long An, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Long An, Sở NN&PTNT tỉnh Long An, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức – Ảnh: Đình Đại.

 

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023: “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”, TS. Ngô Thị Thu Trang – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, để phát triển du lịch được bền vững, trước tiên, người sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp đó phải tự hào về sản phẩm của mình. Tức là, họ phải xem sản phẩm đó là đứa con tinh thần của mình và với đứa con tinh thần đó, họ phải sẵn sàng có trách nhiệm với người tiêu dùng và chính trách nhiệm với người tiêu dùng đó, sẽ giúp cho sản phẩm của họ có uy tín và vươn xa hơn.

Thứ hai, từ niềm tự hào đó, họ muốn giới thiệu những sản phẩm đó cho du khách. Từ đó, sẽ có những câu chuyện du lịch sẽ được đi vào trong mỗi sản phẩm để đưa đến với du khách. Tuy nhiên, TS Thu Trang cho rằng, thời gian gần đây, những câu chuyện về nông nghiệp du lịch hay du lịch nông nghiệp vẫn chưa phát triển đúng với tầm vóc của nó.

“Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở một sản phẩm nông nghiệp thì sẽ rất khó thu hút du khách. Bởi, sản phẩm du lịch khác với sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp có thể mang đi giới thiệu với khách hàng, nhưng đối với sản phẩm du lịch thì khách phải đến với mình và muốn khách đến với mình thì nó phải là sự tổng hòa của nhiều tài nguyên du lịch khác nhau”, TS. Ngô Thị Thu Trang chia sẻ.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: 4 giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại Long An

 

TS. Ngô Thị Thu Trang – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM phát biểu tham luận tại diễn đàn – Ảnh: Đình Đại.

 

Theo TS. Ngô Thị Thu Trang, Long An là một địa bàn hội tụ đủ về Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa cho phát triển du lịch cũng như nông nghiệp. Về cơ chế chính sách, từ trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để Long An có thể phát triển nông nghiệp nói riêng và du lịch nông nghiệp nông thôn nói chung.

Bên cạnh đó, với một vị thế khá thuận lợi, tiếp giáp với TP.HCM, là cửa ngõ của Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Với vị thế này, đã giúp cho Long An trở thành một tâm điểm trong việc giao thương về hàng hóa nông nghiệp cũng như điểm đến về du lịch.

“Long An là một vùng đất được mệnh danh là “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Trải dải trong toàn tỉnh Long An với hơn 120 di tích lịch sử, nhiều câu chuyện rất hào hùng về một vùng đất gắn với Cách mạng, gắn với niềm tự hào của dân tộc. Do đó, sẽ có rất nhiều thuận lợi để giới thiệu cho du khách”, TS. Ngô Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp của Long An cũng khá đặc thù. Chúng ta thường nghe “gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”, do đó, khi đến với Long An du khách cũng tò mò và muốn thưởng thức gạo Cần Đước. Hoặc làng nghề Rượu đế Gò Đen, hay thương hiệu Khóm Bến Lức…

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: 4 giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại Long An

 

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự Diễn đàn – Ảnh: Đình Đại.

 

 

Ts Thu Trang cho rằng, xây dựng câu chuyện sẽ gắn liền với câu chuyện đất và người để tạo ra sản phẩm nông nghiệp. Và Khi đưa vào trong giá trị du lịch, thì cần phải đưa vào trong một giá trị để khi đến với du khách, họ sẽ thấy được ở Long An có rất nhiều sản phẩm hay, ngon và có thể thương mại hóa trong địa bàn tỉnh hoặc trong cả nước.

Tuy nhiên, TS Thu Trang cũng cho rằng, cần phải đưa những câu chuyên này như thế nào để du lịch hóa lên, tạo thành các chuỗi liên kết để từ đó có thể phát triển cho du lịch của Long An trong định hướng sắp tới, cũng như định hình trong các thế mạnh của ĐBSCL nói chung trong phát triển du lịch để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào du lịch.

Từ những phát hiện trên, TS. Ngô Thị Thu Trang  đề xuất 4 giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tại Long An nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Một là, cần phải triển khai những mô hình điểm để từ đó lan rộng ra những khu vực khác. Trong các mô hình điểm này, ngoài việc phát triển du lịch, năng lực của người nông dân phải tốt và sản phẩm phải thu hút du khách từ chất lượng dịch vụ đến giá trị của sản phẩm cũng như câu chuyện của sản phẩm.

Hai là, ở khu Lâm viên thanh niên của Long An có một diện tích đất khoảng hơn 71ha. Đây là khu vực trọng điểm của vùng ĐBSCL nên có thể hình thành một Trung tâm Giáo dục nông nghiệp của ĐBSCL. Bởi khu vực này bao chùm tất cả các đặc điểm sinh thái của vùng Đồng Tháp Mười.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: 4 giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại Long An

 

Diễn đàn thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham dự – Ảnh: Đình Đại.

 

Trong Trung tâm Giáo dục nông nghiệp này sẽ có những sản phẩm du lịch, cũng như những sản phẩm nông nghiệp để thu hút du khách tới để trải nghiệp, học tập và thưởng thức những sản phẩm ẩm thực.

“Từ những mô hình điểm này, chúng ta có thể phát triển và nhân rộng, đồng thời, lan tỏa và kết nối với tất cả các điểm du lịch khác trên địa bàn để củng cố lại các sản phẩm du lịch”, TS. Ngô Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Ba là, Long An cần có một thương hiệu riêng về du lịch. Nông nghiệp trong phát triển cần đi kèm với văn minh trong nhận thức về sản xuất cũng như văn minh trong cách đưa sản phẩm ra bên ngoài.

TS Thu Trang cho rằng, sự hội tụ của Long An trong các tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp cho phát triển bền vững cần được lan tỏa để Long An nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung khẳng định vị thế của mình trong việc phát triển nông nghiệp nông thôn.

Bốn là, hiện nay các doanh nghiệp du lịch đang phát triển theo hướng doanh nghiệp cộng đồng. Tức là, cùng nhau để hướng đến nông nghiệp bền vững và nông nghiệp cộng đồng này phải có những giá trị trong việc chia sẻ, cũng như phát triển để lan tỏa các giá trị chia sẻ đó.

“Để du lịch nông thôn có thể phát triển, cần sự quảng bá mạnh mẽ về nông nghiệp của tỉnh nói riêng và của ĐBSCL nói chung. Đồng thời, cần có những chính sách kịp thời cũng như nhưng bước đi vững chắc để du lịch nông nghiệp có thể trở thành thương hiệu và niềm tự hào của bà con cũng như chính quyền địa phương”, TS. Ngô Thị Thu Trang đề xuất.