TP Hải Phòng đang nỗ lực khơi thông mọi tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực để đưa du lịch cất cánh, vươn lên tầm cao mới, theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
TP Hải Phòng được đánh giá hội tụ đầy đủ các lợi thế về tài nguyên, kết nối giao thông, phát triển đô thị, có đặc thù riêng biệt về con người, lịch sử và văn hoá; tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả tự nhiên và văn hoá. Đây là những thuận lợi hết sức to lớn đối với phát triển du lịch TP Cảng. Vị trí quan trọng của TP Hải Phòng cũng được khẳng định qua các nghị quyết của Trung ương về phát triển thành phố.
Theo đó, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị "về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đã xác định xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Đây là chủ trương và định hướng quan trọng của Đảng để thúc đẩy phát triển du lịch TP Hải Phòng lên tầm cao mới.
Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị "về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã chỉ đạo: Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng...
Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển của thành phố.
Còn theo Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã lựa chọn 1 trong 3 đột phá là phát triển du lịch. Cụ thể, quy hoạch xác định xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới.
Như vậy, với TP Hải Phòng, ngành du lịch được chú trọng phát triển với mục tiêu trở thành ngành kinh tế có vai trò vô cùng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng.
Theo bà Nguyễn Thị Thương Huyền - Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng chia sẻ, du lịch Hải Phòng đã được định vị rất rõ trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố.
Do đó, du lịch không chỉ được coi là ngành mũi nhọn mà chính là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu của thành phố với quyết tâm đưa Hải Phòng trở thành trọng điểm du lịch của cả nước, Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Đây chính là vấn đề cốt lõi, là kim chỉ nam cho mọi hành động để dẫn dắt sự phát triển của du lịch, xứng tầm vị thế và hiện thực hóa khát vọng phát triển của Hải Phòng.
Bứt phá, vươn lên
TP Hải Phòng được biết đến là thành phố Cảng lâu đời với các khu du lịch nổi tiếng Đồ Sơn, Cát Bà. Trong đó, quần đảo Cát Bà hội tụ các danh hiệu quốc gia và quốc tế như: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2013), Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004), Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (năm 2020). Với giá trị nổi bật về hệ sinh thái biển đảo, đa dạng sinh học và mỹ học, ngày 16/9/2023, quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đô thị trung tâm thành phố với những giá trị văn hóa, kiến trúc, ẩm thực là những tài nguyên phong phú để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn như Food tour, City tour...
Hiện thực hoá chủ trương đưa du lịch trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế, thời gian gần đây, TP Hải Phòng đã tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng cơ chế, hình thức đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, khu đô thị mới, trung tâm thương mại cao cấp... hỗ trợ phát triển du lịch. Địa phương này cũng định hướng phát triển du lịch biển đảo là cốt lõi, lan tỏa, phát triển các loại hình du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hóa, tâm linh.
Một minh chứng rõ nét nhất chính là sự “thay da đổi thịt” của du lịch Đồ Sơn. Trong ký ức của người dân Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung, Đồ Sơn xưa kia là bãi biển mang đậm màu phù sa, với những nhà hàng địa phương ven biển không mấy sạch đẹp. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, khách du lịch không khỏi choáng ngợp trước một Đồ Sơn với những bờ biển xanh, cát trắng, cùng hàng loạt những điểm vui chơi, tiện ích mang đẳng cấp quốc tế lần đầu tiên xuất hiện phục vụ khách du lịch. Công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũng được địa phương này tập trung triển khai, nâng cấp…
Nếu như năm 2022, du lịch Đồ Sơn đạt 1,9 triệu lượt du khách thì bước sang năm 2023, Đồ Sơn đã thu hút 2,95 triệu lượt du khách, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Và chỉ trong 6 tháng năm 2024, du lịch Đồ Sơn đã đón và phục vụ 2,3 triệu lượt khách, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm và tăng gấp hơn 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Những con số tăng trưởng ấn tượng qua các năm là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của du lịch và kinh tế của Đồ Sơn kể từ khi có sự xuất hiện của những dự án lớn, tầm cỡ.
Ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn chia sẻ: “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, quận Đồ Sơn đã chủ động tham mưu, xây dựng và triển khai kết hoạch quản lý nhà nước về du lịch qua từng năm. Đồng thời xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, chi tiết, góp phần đưa ngành du lịch trên địa bàn quận phục hồi và phát triển với nhiều khởi sắc, thu hút một số tập đoàn lớn như: Gleximco, BRG… đầu tư dự án với quy mô lớn. Quận Đồ Sơn cũng đẩy nhanh tiến độ khai thác các dự án phát triển du lịch lớn trên địa bàn, tăng cường công tác quản lý về du lịch, đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch."
Đồng thời phục hồi, phát triển du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch mới; từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; tham mưu cho UBND TP Hải Phòng thực hiện thu hồi diện tích đất sử dụng không có hiệu quả, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch… Qua đó, từng bước đưa Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế theo hướng thông minh, hiện đại với các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp hài hoà giữa bản sắc truyền thống và các giá trị hội nhập…, ông Phạm Hoàng Tuấn nói.
Còn tại Cát Bà, với gần 1 triệu lượt khách ghé thăm trong 5 tháng đầu năm 2024, “đảo Ngọc” Cát Bà tiếp tục khẳng định vai trò trọng điểm du lịch của Hải Phòng. Điều khiến cái tên Cát Bà được du khách đánh giá cao chính bởi Cát Bà có gần 400 hòn đảo lớn nhỏ bao quanh, được ví như chuỗi ngọc xanh giữa vịnh Bắc Bộ cùng hệ sinh thái rừng phong phú. Nơi đây sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp cao.
Đặc biệt, Cát Bà đã bước đầu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Flamingo... Trong đó, mới đây, Tập đoàn Sun group đã dành gần 12.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà rộng 50 ha với kỳ vọng biến hòn đảo này thành "tiểu Maldives của châu Á".
Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho biết: "Đảo Cát Bà là viên ngọc quý giữa lòng vịnh Bắc Bộ, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và có nền văn hóa phong phú, độc đáo đang chờ được đánh thức. Với kinh nghiệm phát triển du lịch nghỉ dưỡng gần 2 thập kỷ, Sun Group tự tin góp phần đưa Cát Bà nói riêng, TP Hải Phòng nói chung sớm trở thành điểm đến hàng đầu Việt Nam và quốc tế".
Bước đột phá mới cho du lịch
Tiếp đà phát triển của ngành du lịch, mới đây, UBND TP Hải Phòng đã thông qua đề án tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng, đề xuất được các định hướng và giải pháp phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Theo Sở Du lịch Hải Phòng, đề án đặt ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái du lịch hiệu quả, môi trường đầu tư hấp dẫn và phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, sẽ phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất ngành du lịch hiện đại, chất lượng cao.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, Cát Bà sẽ được công nhận là Khu du lịch quốc gia gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững, khai thác và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, hoàn thiện được các công trình, dự án kết nối giao thông quan trọng với trung tâm thành phố, Đồ Sơn, đảo Long Châu, huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Còn với Đồ Sơn, nơi đây sẽ được công nhận là khu du lịch quốc gia theo mô hình du lịch đa chức năng, tận dụng lợi thế đô thị ven biển, gần trung tâm đô thị lõi gắn với dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đa chức năng, thể thao, lễ hội, văn hóa, ẩm thực, mua sắm; hoàn thiện được các công trình, dự án có điểm nhấn hướng tới khách du lịch quốc tế cao cấp.
Từ sau năm 2030, tầm nhìn đến 2050, TP Hải Phòng trở thành điểm đến quốc tế có sức cạnh tranh cao với các khu du lịch vươn tầm quốc tế Cát Bà, Đồ Sơn; Đô thị Cảng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí đô thị đặc sắc riêng có của cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp từ 10% GRDP thành phố.
Như vậy, việc đề án được thông qua có ý nghĩa quan trọng, nhằm xây dựng những định hướng và giải pháp mới, phù hợp để tạo động lực và bước phát triển đột phá cho ngành du lịch Hải Phòng trong thời gian tới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...