Đây là một trong những đề xuất được nhiều chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước kiến nghị tại hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050”.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong cơ cấu năng lượng hiện nay, nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn nhất 39,1%, thứ hai là nguồn thủy điện chiếm 35,4% và thứ ba là nhiệt điện khí chiếm 11%, các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió và sinh khối) chiếm 12,9%.
Theo Quy hoạch điện VII, có 37 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 35.112 MW đã phê duyệt dự kiến vận hành trong giai đoạn 2016-2030. Đến nay, có 12 dự án với tổng công suất 8.570 MW đã vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020. Do gặp vướng mắc, nhiều dự án điện than của giai đoạn trước đã dừng hoặc chuyển sang tuabin khí dùng nhiên liệu LNG, tác động lớn đến cung ứng điện của miền Bắc trong hiện tại và tương lai.
Trong thời gian tới, các nguồn năng lượng sơ cấp thuỷ điện, than đá, dầu khí đang dần cạn kiệt trong khi nhu cầu năng lượng của Việt Nam tiếp tục tăng. Theo cam kết giảm phát thải CO2 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam, Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 phát triển 30.127 MW điện than nhưng hiện nay đã có tới hơn 26.000 MW vào vận hành. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời.
Nhận định Quy hoạch điện VIII có nhiều tiến bộ, song các đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp bày tỏ lo ngại tính khả thi triển khai hiệu quả cũng như đảm bảo tiến độ các dự án. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho rằng, vướng hiện nay là cơ chế điều phối triển khai thực hiện có bất cập, chưa bám sát vào nguyên tắc của thị trường nên trong triển khai dự án năng lượng xảy ra vướng mắc, xung đột lợi ích hoặc vấp phải khoảng trống pháp lý.
Nhìn từ rất nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ trong Quy hoạch điện VII, ông Nguyễn Anh Tuấn – Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ ra một số nguyên nhân chính như nguồn cung nhiên liệu không ổn định, vướng mắc quy định pháp luật, chỉ đạo điều hành thiếu quyết liệt, huy động vốn khó khăn cho các dự án cần nguồn lực lớn…
Thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII cũng như đảm bảo cung ứng và cấp điện cho miền Bắc trong thời gian tới, tránh tình trạng thiếu điện như vừa xảy ra tại miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, cần tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, sớm đưa các dự án năng lượng trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vào vận hành.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, có kế hoạch chi tiết cho phân bổ quy mô các nguồn năng lượng tái tạo từ vùng tới các tỉnh, sớm lựa chọn được chủ đầu tư các dự án quan trọng, cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt không để xảy ra tình trạng dự án chậm nhiều năm.
Ngoài ra, vốn đầu tư cho các công trình điện là lớn, cần thiết huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước theo nhiều cách như xem xét bảo lãnh Chính phủ với một số dự án ưu tiên, quan trọng; điều chỉnh các cơ chế nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư BOT đã và đang đàm phán hợp đồng; tạo điều kiện để nhà đầu tư tư nhân tham gia lưới truyền tải tại những khu vực không ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện…
Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, thời gian đầu tư xây dựng từ 6 – 8 năm. Nếu không sớm chọn được dự án và chủ đầu tư sẽ rất khó thực hiện được quy mô điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 6.000 MW. Do vậy, cần có cơ chế đấu thầu để đầu tư các dự án này, chọn các nhà thầu có đủ năng lực về vốn – tài chính, đội ngũ kỹ thuật, dẫn tới giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.