Theo danh sách do Bulog, Việt Nam có Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH Lương thực Phát Tài (Đồng Tháp) trúng lô 11.
Đặc biệt, 3 doanh nghiệp lớn của Việt Nam mỗi đơn vị trúng đến 2 lô. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trúng lô thầu số 8 và 14; Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng lô số 15 và 16; Tổng công ty Lương thực miền Nam trúng lô số 3 và 9.
Việt Nam là nước duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn (trên 2 lô). Ngoài Việt Nam, chỉ duy nhất một đơn vị thương mại là R&S Trader PTE ở Singapore thắng thầu 3 lô 10, 13 và 17.
Theo cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đang cao nhất thế giới với 655 USD/tấn, gạo Việt Nam là 642 USD/tấn và Pakistan là 638 USD/tấn.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, giá gạo Thái Lan hiện cao hơn Việt Nam 13 USD/tấn do hiện Việt Nam không có nhiều gạo để giao dịch mà phải chờ đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 tới. Giai đoạn này, các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa và chuẩn bị nghỉ tết và không tham gia ký hợp đồng mới.
Với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa "chốt sổ", các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3. Đây là tín hiệu tích cực cho vụ đông xuân sẽ thu hoạch sau Tết Nguyên đán sẽ thắng lớn. Năm nay, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, tương đương với Philippines - nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và khách hàng truyền thống của Việt Nam.