Áp dụng công nghệ tiên tiến vào logistics thông minh và bắt kịp xu hướng thời đại sẽ giúp kiểm soát và đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng.
Định hình xu hướng logistics
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện sở hữu phần lớn cơ sở hạ tầng như các trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, cảng cạn… so với các doanh nghiệp quốc tế. Dù có phân khúc và tệp khách hàng nhất định nhưng doanh nghiệp nội địa lại hoạt động đơn lẻ, thiếu sự kết nối đồng bộ trong chuỗi dịch vụ logistics tích hợp, hạn chế về tài chính và năng lực quản trị. Vì vậy, doanh nghiệp nội địa chủ yếu cung cấp các dịch vụ như giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan…
Để nâng cao khả năng cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, tạo nên một làn sóng đối với hoạt động thương mại. Khoảng 50-60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ.
Theo chuyên gia về chuyển đổi số Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ IOT PLUS, tính đến năm 2024, ngành logistics Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi số đáng kể và đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình 14-16%/năm, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Tuy có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng mức độ ứng dụng công nghệ trong ngành logistics Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Theo nghiên cứu toàn cầu, thị trường hậu cần AI tổng quát sẽ tăng từ 412 triệu USD lên 13,948 triệu USD vào năm 2032, với tốc độ CAGR là 43,5%. Chuyên gia Nguyễn Hữu Hùng cho biết thêm rằng những công nghệ được săn đón trong chuyển đổi số như AI và Machine Learning sẽ không thể thiếu trong lĩnh vực logistics vì các công nghệ này được ứng dụng trong nhiều hoạt động, mang đến nhiều lợi ích, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí, tăng hiệu suất công việc và tăng năng lực cạnh tranh.
Nhiều chuyên gia nhận định, AI, giao hàng nhanh, các giải pháp trên đám mây…sẽ dẫn đường cho ngành logistics hướng đến sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp logistics đang bắt đầu nghiên cứu ứng dụng AI vào vận tải, dự báo nhu cầu thị trường và rủi ro, quản lý hàng tồn kho, thiết kế kho thông minh và tối ưu hóa lộ trình chặng cuối.
Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cho rằng, sự phát triển của ngành logistics hiện nay đòi hỏi các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như e-commerce, last-mile delivery... Các thiết bị tự động cũng được tích hợp để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác. Các công nghệ mới như IoT, AI và tự động hóa sẽ giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng từ lưu trữ, vận chuyển tới quản lý hàng hóa.
Chuyển mình thích ứng
Tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử toàn cầu đã tạo ra nhu cầu lớn về logistics, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp logistics phát triển và mở rộng dịch vụ. Việc sử dụng phương tiện giao hàng sạch hơn, tối ưu hóa lộ trình để giảm lượng khí thải CO2, hệ thống giao hàng hiệu quả, bền vững với môi trường là những cơ hội cho logistics.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, tối ưu hiệu quả hoạt động của hai ngành này. Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng.
Sự thay đổi của các xu hướng logistics trên thế giới cũng tác động mạnh tới các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy họ thích ứng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi này.
Toàn cầu hóa khiến nền kinh tế không ngừng phát triển, dẫn đến nhu cầu lớn hơn về logistics, kho bãi, vận chuyển và các dịch vụ hỗ trợ khác... Do đó, doanh nghiệp nên thúc đẩy chuyển đổi số, tập trung vào số hóa để cải thiện quy trình làm việc tinh giản hơn, đảm bảo độ chính xác, giải phóng lao động, nâng cao hiệu suất, giảm thiểu sai sót.
“Tại Headway, chúng tôi chủ động xác định và đánh giá rủi ro cũng như lợi thế cho từng yêu cầu để tối ưu hóa logistics cho chuỗi cung ứng của khách hàng, từ vận chuyển đến lưu trữ và phân phối. Chúng tôi có quy trình xử lý tiêu chuẩn (SOP) và các giải pháp linh hoạt để giải quyết các vấn đề khó khăn của khách”, ông Felix Nguyen, Giám đốc điều hành Headway khẳng định.
Đồng thời, theo ông Felix, phát triển nguồn nhân lực; quản lý đối tác và nhà cung cấp; ổn định trong bối cảnh biến động cũng là những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Doanh nghiệp nên chủ động thông báo cho khách hàng về các thay đổi liên quan đến hàng hóa và luôn có kế hoạch dự phòng cho trường hợp phát sinh. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống để theo dõi và đánh giá chặt chẽ hiệu suất, quản lý rủi ro của nhà cung cấp. Cùng với đó, luôn củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách đào tạo nhiều chuyên gia tham gia vào quy trình tối ưu hóa sản phẩm. Bên cạnh công nghệ, sự sẵn sàng về nguồn lực, con người sẽ góp phần chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp.