“Cà phê với doanh nhân” - ý nghĩa của nó là không bao giờ giảm đi sự cần thiết - nếu như chính quyền địa phương thực sự cầu thị muốn lắng nghe lời “nghịch nhĩ”.
Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, cho biết: UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch tổ chức “cà phê với doanh nhân”. Tạo dựng thêm không gian gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp. Làm ăn kinh doanh trong thời buổi hiện đại “hiểu nhau” rất quan trọng. Điều muốn nói ở đây là các nhà lãnh đạo thấu cảm được tình hình của doanh nghiệp đến đầu tư, nắm bắt được thị trường ngành hàng. Ngược lại doanh nhân biết được cái khó của “ông Chủ tịch”, “ông Giám đốc Sở” không thể một mình quyết tất!
Chính vì vậy, một trong những mục đích của “cà phê doanh nhân” tại Quảng Trị là “tăng cường gắn kết, giao lưu”. Do đó, không phải chỉ có đem đến đây “chuyện khó” mà cũng có thể tham dự để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thắt chặt quan hệ lành mạnh giữa doanh nghiệp và chính quyền.
So với trước đây, mỗi năm 1 đến 2 lần tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Năm nào cũng vậy nhu cầu “giải tỏa” rất lớn nhưng thời lượng có hạn, nên rất nhiều vấn đề chưa được tỏ tường, không ít doanh nhân ra về trong trạng thái bịn rịn, nhiều chủ đề “nóng” sau đó trở nên “nguội lạnh”.Không phủ nhận tầm quan trọng của Hội nghị đối thoại thường niên này. Tuy nhiên, một năm được nói một lần tại diễn đàn chính thức là quá ít ỏi, khi môi trường kinh doanh biến chuyển hàng ngày, rủi ro đến với doanh nghiệp hiện hữu thường trực.
Điều đáng kỳ vọng lần này với “cà phê doanh nhân” Quảng Trị là đối thoại chuyên sâu từng lĩnh vực, từng nhóm ngành, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp siêu nhỏ trực tiếp “nói chuyện” với người “cầm cân nảy mực”. Như thế những đòi hỏi bức cách mới hy vọng được đọng lại thường trực trong tư duy công vụ.
Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp sẽ mang đến chất liệu từ thực tiễn giúp hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giàu tính “chiến đấu” hơn, giảm thiểu tư duy máy móc, “phòng lạnh”. Thực tế cho thấy, rất nhiều quy định liên quan nhưng thiếu vắng bóng dáng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đến mức không thể áp dụng vào thực tế đời sống.
Ông Nguyễn Đức Tân bày tỏ: “Cà phê doanh nhân mong đợi sẽ là không gian gặp gỡ gần gũi, chân tình, thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong tỉnh để tăng cường sợi dây liên kết, cập nhật thông tin theo cách tiếp cận đa chiều, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh. Mong đợi hoạt động này cũng là nơi để doanh nghiệp gặp gỡ với doanh nghiệp (B2B) để kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh, mở rộng xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp.”.
Dĩ nhiên, làm tốt khâu đối thoại mới chỉ thành công một nửa. Vướng mắc, khó khăn được giải quyết thấu tình đạt lý mới là đích đến cuối cùng của hoạt động này. Một lần nữa cho thấy “núi việc” của người đứng đầu địa phương, thử thách tính năng động hiệu quả của cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...