Cú “ngã ngựa” trong kinh doanh của Shark Thủy dường như được dự báo từ trước khi ông sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, đầu tư dàn trải với tham vọng phát triển “vòi bạch tuộc".
Vài tháng trước đây, thông tin ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Công ty Giáo dục Egroup (Shark Thủy) bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt giam khiến dư luận chú ý. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, kết quả này không có gì bất ngờ. Bởi, từ năm 2023, Công an TPHCM cũng từng vào cuộc xác minh hàng trăm đơn tố cáo của phụ huynh, cho rằng bị Công ty CP Anh ngữ Apax Leaders của “cá mập” này "chiếm đoạt tiền học phí".
Từ thời điểm này, phân tích về nguyên nhân khiến Shark Thủy “ngã ngựa” trong kinh doanh, nhiều người cho rằng, việc Shark Thủy dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, đầu tư dàn trải là tín hiệu báo trước nhiều rủi ro, kể cả không có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Đây là một bài học cảnh tỉnh nhiều người kinh doanh.
Ông Thủy sinh năm 1982 tại Hà Nội. Năm 2008, ông thành lập Egame, là tiền thân của Tập đoàn Egroup, bắt đầu phát triển những sản phẩm ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Năm 2009, Egroup cho ra mắt tựa game Chinh phục vũ môn, một trò chơi kết hợp với trả lời các câu hỏi kiến thức học phổ thông, luyện thi đại học.
Từ năm 2014 - 2017, Chinh phục vũ môn được Egroup phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho học sinh toàn quốc, nhưng sau đó phải dừng lại vì vấp phải những ý kiến trái chiều. Trong giai đoạn 2017 - 2020, Egroup tăng tốc các sản phẩm kinh doanh giáo dục. Nổi bật nhất là chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders.
Thời "hoàng kim" mô hình này có đến hơn 200 cơ sở trên cả nước. Một số mô hình giáo dục tiếng Anh khác của Egroup nở rộ trong thời gian này là Englishnow, eKidEnglish...
Năm 2018, Egroup tiếp tục cùng với đối tác Hàn Quốc đưa mô hình đào tạo năng lực tư duy CMS Edu Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra ông Thủy còn đầu tư và phát triển trường mầm non song ngữ STEAMe GARTEN và hợp tác cùng Firbank Grammar School (Úc) xây dựng mô hình trường liên cấp.
Giai đoạn này, ông là nhà đầu tư tham gia chương trình truyền hình thực tế "Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank" trong 2 mùa 2018 và 2019. Biệt danh "Shark" Thủy cũng bắt đầu từ đó. Tuy nhiên các thương vụ đầu tư của ông không để lại thành công.
Bước sang những năm 2020, “Shark” Thủy bắt đầu mở rộng mô hình kinh doanh vào bất động sản. Egroup gọi đây là mô hình đầu tư vào "bất động sản giáo dục" và xem là "hướng đi mới song cũng là xu thế tất yếu để đảm bảo cho sự bền vững của hoạt động đầu tư giáo dục". Quỹ đầu tư Apax Holdings của Egroup bắt đầu kết hợp với những đối tác bất động sản để "tối ưu hóa, gia tăng giá trị tài sản của bất động sản giáo dục tại các dự án".
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại diện Apax Holdings khẳng định quyết tâm đảm bảo sự bền vững của Apax Holdings thông qua việc tiến tới sở hữu mặt bằng các cơ sở giáo dục sau khi đã gây dựng được hệ thống tương đối rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành.
Thời điểm sau dịch COVID-19 cũng là lúc Apax Leaders bắt đầu đối mặt với những thách thức về tài chính "hụt" nguồn thu học phí trong thời gian nghỉ dịch, trả lương giáo viên, duy trì hệ thống mặt bằng số lượng "khủng" rộng khắp cả nước.
Việc quá nhiều phụ huynh muốn rút học phí đã đóng trước nhiều năm (thường từ 1-3 năm), có khi lên đến trăm triệu đồng một học viên, do Apax không duy trì được cam kết giảng dạy, cũng góp phần vào sự mất cân bằng tài chính của công ty này.
Nhìn lại câu chuyện kinh doanh của Egroup và ông Nguyễn Ngọc Thủy giống như nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng, sai lầm lớn nhất của họ chính là chọn cách phát triển doanh nghiệp từ vay vốn và dùng đòn bẩy tài chính quá đà sẽ tự hại bản thân.
Ngoài ra, khi tích lũy một số vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến việc mở rộng đầu tư thêm lĩnh vực mới. Họ cho rằng như vậy sẽ đúng với nguyên tắc “không để trứng vào một giỏ”, đồng thời đặt kỳ vọng vào những khoản đầu tư mới sẽ sinh sôi nảy nở.
Nhưng họ quên mất rằng khi phân tán nguồn vốn ra quá nhiều lĩnh vực, đồng nghĩa với việc họ phải dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn để quản trị nó. Năng lực của doanh nhân khi bị chi phối bởi nhiều dự án khác nhau cũng sẽ kém hiệu quả. Ngay cả tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam cũng phải sớm đóng cửa hay chuyển nhượng nhiều dự án, lĩnh vực để đảm bảo tập trung nguồn lực.
Chưa kể, vốn ở nhiều nơi đồng nghĩa với việc đọng vốn lâu hơn, thời gian quay vòng vốn cũng kéo dài hơn. Doanh nghiệp luôn ở trong tình trạng “lấy chỗ nọ, bù chỗ kia”. Nếu chẳng may một lĩnh vực kinh doanh cốt lõi bị ảnh hưởng sẽ tạo ra hiệu ứng domino, kéo theo cả chuỗi sập tiệm, giống như trường hợp của Egroup.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...