Mèo Béo là câu chuyện từ Trung Quốc được lan truyền mạnh mẽ tại Việt Nam. Mèo Béo là tên tài khoản game của một chàng trai 21 tuổi ở Hồ Nam, Trung Quốc. Thông qua ứng dụng trên mạng, cậu làm quen một bạn nữ người Trùng Khánh. Mèo Béo rất hy vọng vào chuyện tình này, vậy nên chu cấp cho bạn gái rất nhiều. Thậm chí cậu đã một mình đi đến Trùng Khánh để bày tỏ tình cảm. Trong khoảng thời gian đó, cậu nỗ lực cày game và sống tiết kiệm để gom một số tiền lớn cho bạn gái. Nhưng cuối cùng, sau khi nhận được tiền, cô gái lại chia tay Mèo Béo, khiến Mèo Béo buồn lòng và nhảy sông.
Sự việc đau lòng này nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng xứ Trung lẫn Việt Nam. Vô tình là thương hiệu McDonald’s cũng xuất hiện trong câu chuyện này, khi cậu bạn trong lúc sống tiết kiệm đã từng có những dòng chia sẻ trên mạng là “không muốn ăn rau, muốn ăn McDonald’s…”
Rồi hôm qua, ngày 6/5/2024, McDonald’s Việt Nam có nước đi khá khó hiểu khi dùng câu chuyện buồn Mèo Béo để quảng cáo sản phẩm mới của mình.
Cụ thể, họ đặt món ăn mới trong hạng mục “Không thích ăn rau thì ăn gà dính phô mai BBQ”. Hành động này khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì chỉ cần nhìn là biết những cụm từ này có liên quan đến câu chuyện Mèo Béo. Trên fanpage của McDonald’s, rất nhiều cảm xúc và bình luận phẫn nộ xuất hiện. Cộng đồng mạng cho rằng cách “đu trend” Mèo Béo của McDonald’s là kiểu “nội dung bẩn” và không thể chấp nhận được.
Trước làn sóng phẫn nộ này, đến khoảng 8h tối cùng ngày, McDonald’s đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trên trang Facebook chính thức của họ. McDonald’s thẳng thắn thừa nhận các lỗi sai như sử dụng ngôn từ không phù hợp, tạo ra sự phản cảm và phiền lòng đối với khách hàng. Đồng thời, họ cũng đưa ra lời xin lỗi Mèo Béo cùng gia đình và cộng đồng cũng như khách hàng.
Ngoài ra, họ đưa ra các hướng giải quyết, bao gồm gửi lời xin lỗi, tháo gỡ toàn bộ nội dung gây tranh cãi, rà soát nghiêm khắc quy trình kiểm duyệt nội dung và kiểm điểm các nhân sự nội bộ có liên quan.
Vì là một câu chuyện đang hot, vậy nên ngay lập tức bài đăng xin lỗi của McDonald’s đã thu hút rất lớn lượng người tương tác. Dĩ nhiên, một bài đăng không thể xoa dịu tất cả làn sóng chỉ trích, thế nhưng ở khu vực bình luận, cộng đồng mạng cũng không còn thái độ quá gay gắt, chủ yếu bày tỏ McDonald’s nên thận trọng hơn trong những câu chuyện và những nội dung lần sau.
Như vậy, với bài đăng xin lỗi này, có thể thấy McDonald’s đã tạm thời xoa dịu dư luận. Hay nói cách khác, đó là pha xử lý khủng hoảng truyền thông nhanh và tốt.
Trong pha xử lý này, điều nổi bật nhất của McDonald’s là thái độ thẳng thắn nhận lỗi, không trốn tránh và cũng không phủ nhận.
Trên thực tế, đó cũng là phương hướng đúng đắn khi làm việc với truyền thông. Một cuộc khảo sát doanh nghiệp tại Mỹ cho thấy khi gặp khủng hoảng truyền thông, nếu chọn phương án “phủ nhận” thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với tỷ lệ thất bại lên đến 62%.
Ngược lại, có rất nhiều vụ giải quyết khủng hoảng truyền thông trên thế giới bằng cách thành thực đã trở thành kinh điển. Năm 2011, KFC Malaysia đối mặt với khủng hoảng xảy ra khi tấm ảnh chụp một nhân viên giặt giẻ lau và vắt nước bẩn vào nồi chiên gà trong bếp bị phát tán trên Facebook. Ngay sau đó, KFC Malaysia đối diện với làn sóng tẩy chay và thậm chí lan đến nhiều nước khác trên thế giới.
KFC Malaysia ngay lập tức nhận lỗi, tung ra một video do CEO KFC Malaysia đích thân xin lỗi khách hàng, nhận trách nhiệm và giải thích rõ về những gì họ sẽ làm tiếp theo để khắc phục hậu quả.
Đồng thời, họ mời vị khách đã phát tán bức ảnh hợp tác đưa ra giải pháp khắc phục và hỏi thêm ý kiến của toàn bộ khách hàng. Sự khéo léo trong kết hợp các phương pháp xử lý khủng hoảng của KFC Malaysia đã xoa dịu các phản ứng tiêu cực từ khách hàng chỉ trong 7 ngày, sau đó họ nhận thêm thiện cảm từ cả những người chưa là khách hàng thường xuyên.
NHƯ VẬY LÀ
McDonald’s có vẻ đã sai khi “đu trend” vội vã dẫn tới hành động tiếp thị phản cảm. Nhưng hành động thừa nhận sai lầm, thành thật xin lỗi một cách rất nhanh và chuyên nghiệp của thương hiệu này đã cứu họ được một bàn thua trông thấy.