Các ngành hàng đầu tiên phải thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) là săm, lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt, bao bì giấy (hỗn hợp, carton). Quy định này áp dụng với các nhà sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, dịch vụ và giá trị nhập khẩu của năm trước lần lượt trên 30 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chịu quy định này.
Các doanh nghiệp phải tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ bắt buộc trên tổng khối lượng được đưa ra thị trường, nhập khẩu. Để thực hiện trách nhiệm tái chế, các doanh nghiệp có thể lựa chọn theo 2 phương án: một là tự tổ chức tái chế, hai là đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Để thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến. Từ hệ thống này, các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng Thông tin điện tử EPR quốc gia, không phải gửi bản giấy về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đón đầu quy định thực thi EPR, nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu đã sớm chủ động chuẩn bị và thực hiện kế hoạch EPR. Chẳng hạn, 9 doanh nghiệp lớn ở các ngành nghề kinh doanh như nước giải khát, sữa, đồ uống… đã thống nhất thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với sứ mệnh phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm tỷ lệ bao bì thải ra môi trường. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc xử lý phân loại bao bì sau khi sử dụng, tham gia vào PRO Việt Nam để thực hiện kê khai minh bạch khối lượng bao bì cần tái chế.
Một doanh nghiệp chuyên doanh đồ uống khác là TCP đã sớm triển khai thu gom, tái chế bao bì sản phẩm đã qua sử dụng trước 2 năm EPR có hiệu lực.
Ông Nguyễn Thanh Huân -Tổng Giám đốc TCP Việt Nam cho biết: TCP Việt Nam cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức chương trình thu gom vật liệu có thể tái chế được mà công ty đang sử dụng bao gồm lon nhôm, chai nhựa, chai thủy tinh và bìa cacton, sau đó chuyển giao cho các doanh nghiệp tái chế chuyên nghiệp để thực hiện tái chế phù hợp với quy định EPR ở Việt Nam. Chương trình này đáp ứng mục tiêu gia tăng hiệu quả sản xuất và đảm bảo các yếu tố môi trường nhằm duy trì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp tái chế trong nước đã hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài đón đầu cơ hội từ EPR. Chẳng hạn, Vietcycle ký kết hợp tác với tập đoàn ALBA châu Á xây dựng nhà máy tái chế ra nhựa rPET đạt chuẩn quốc tế ở khu vực miền Bắc.
Các chuyên gia đánh giá, EPR là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và ngành công nghiệp tái chế nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam; đồng thời góp phần giảm chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay quy định về mức phí tái chế chưa được ban hành, các doanh nghiệp chưa thể tính chi phí để đưa vào kế hoạch thực hiện EPR.