Theo thông báo, ngày hôm qua 27/3, Kamereo đã huy động thành công 2,1 triệu USD từ Reazon Holdings, Quest Ventures và ông Thoru Yamamoto, CEO của FOODISON. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng số vốn này để tập trung củng cố đội ngũ bán hàng, phát triển danh mục sản phẩm và thương hiệu riêng, cũng như mở rộng mạng lưới kho hàng.
Trước đó trong năm 2021, họ cũng từng gọi vốn thành công 4,6 triệu USD từ CPF Group, Quest Ventures và Genesia Ventures. Với vòng gọi vốn mới nhất này, tổng số vốn Kamereo huy động được là 7,2 triệu USD. Đây là một thành công đáng chú ý của một mô hình khá mới ở Việt Nam.
Được mệnh danh là nền tảng đặt hàng thực phẩm B2B đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ, startup Kamereo của cựu CEO Pizza 4P’s đã đạt mức tăng trưởng hằng năm đáng ngưỡng mộ, hơn 300% kể từ khi ra mắt năm 2019.
Vừa ra mắt và trải qua luôn thời kỳ đại dịch COVID-19, Kamereo đã nắm bắt cơ hội rất tốt và ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về doanh số và lợi nhuận, hướng đến việc trở thành đơn vị chủ chốt trong ngành phân phối thực phẩm ở Việt Nam, lĩnh vực có giá trị lên đến 100 tỷ USD. Hiện tại khách hàng của Kamereo không chỉ giới hạn ở các nhà hàng, mà còn mở rộng đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà máy, trường học, bệnh viện, v.v..
Một trong những điểm mạnh của công ty này là đã có một giải pháp nhằm giải quyết một “điểm nhói” trong thị trường cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam.
Điểm khởi đầu của Kamereo là ông Taku Tanaka, người hiện đang giữ chức Giám đốc điều hành. Sau khoản thời gian công tác trong ngành tài chính ở Nhật, ông đến Việt Nam và bắt đầu tham gia vào Pizza 4P’s với cương vị Giám đốc vận hành (COO). Ông rời Pizza 4P’s vào tháng 12 năm 2017 và thành lập Kamereo nửa năm sau đó.
Trong thời gian làm việc với Pizza 4P’s, ông nhận thấy những khó khăn khi các nhà hàng muốn kết nối với nông dân. Việt Nam có rất nhiều đơn vị kinh doanh F&B quy mô nhỏ, những người không thể mua nông sản số lượng lớn. Họ phải nhập hàng từ các thị trường lân cận hoặc kết nối với nhiều nhà cung cấp mới mong có đủ nguyên liệu thực phẩm với giá ổn định. Ở đầu bên kia, người nông dân cũng không được kết nối với khách hàng cuối của mình, khiến họ không thể dự đoán giá bán hoặc lên kế hoạch canh tác.
Nhìn thấy lỗ hổng này, ông Tanaka đã thành lập Kamereo, một nền tảng cung cấp thực phẩm B2B kết nối nông dân với những cơ sở F&B.
Cụ thể, các doanh nghiệp F&B sẽ sử dụng nền tảng Kamereo để đặt hàng từ nhiều nông dân. Còn Kamereo đảm nhận phần đàm phán với nhà cung cấp, xử lý, quản lý và thực hiện đơn hàng. Hiện nay Kamereo đã hợp tác với hơn 100 nông hộ, có cả hợp tác xã. Họ quản lý trực tiếp từ khâu thu hoạch cho đến tay người tiêu dùng. Họ cũng tự vận hành kho hàng và mạng lưới giao hàng chặng cuối chứ không hợp tác với bên thứ ba nhằm tiết kiệm chi phí.
Hầu hết những chuyến giao hàng chặng cuối của Kamereo đều được thực hiện bằng xe máy, vì Việt Nam có nhiều đường nhỏ, xe tải khó tiếp cận. Tuy nhiên điều này có một nhược điểm, đó là lượng hàng hóa trong mỗi chuyến giao sẽ bị hạn chế, tài xế phải chạy nhiều chuyến một ngày. Để cải thiện tình trạng này, Kemereo có kế hoạch mở rộng mạng lưới kho hàng siêu nhỏ. Đội ngũ công nghệ của họ cũng đang xây dựng hệ thống nội bộ để quản lý hàng tồn kho, thực hiện đơn hàng và các chuyến giao hàng chặng cuối với mục tiêu giảm thiểu chi phí.
Về con đường phía trước của Kamereo, các chuyên gia đều đưa ra những nhận xét rất lạc quan. Quest Ventures cho rằng Kamereo đã đúng khi chọn trụ sở tại Việt Nam. Đây là đầu mối sản xuất nông sản lớn bậc nhất Đông Nam Á nhưng chuỗi cung ứng thực phẩm còn kém hiệu quả vì cấu trúc phức tạp và quy mô nhỏ của các nhà phân phối tư nhân. Trong khi đó, Kamereo đã xây dựng được cơ sở hạ tầng và mô hình phù hợp để cung cấp thực phẩm. Vậy nên họ rất có tiềm năng trở thành người chơi chủ chốt trong thị trường này.