Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư đạt hơn 6,17 tỷ USD. Trong đó, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 23,4% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,7 tỷ USD (tăng 57,9% so với cùng kỳ). Vốn thực hiện dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD (tăng 7,1% so với cùng kỳ).
Lũy kế đến nay, cả nước có 39.758 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 475,83 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt khoảng 301,8 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành của nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản duy trì vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong quý 1 năm nay ghi nhận nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn. Điều này không chỉ cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng mà dự án đầu tư hướng mạnh vào các ngành công nghệ cao, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn cho thấy vẫn còn khoảng cách tồn tại giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Các địa phương dẫn đầu thu hút vốn FDI vẫn thuộc về Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… với cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.
Dự báo trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong bối cảnh phi toàn cầu hoá ngày càng trở nên phổ biến. Năng lượng xanh, các ngành công nghệ cao như bán dẫn, điện tử… có sức hút lớn với các doanh nghiệp toàn cầu. Do đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn luôn là ưu tiên với việc minh bạch thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư để giảm chi phí thực thi; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh...