Đó là chia sẻ của ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới với Diễn đàn Doanh nghiệp về nhu cầu vàng tại thị trường Việt Nam.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, khi Ngân hàng Nhà nước sử dụng phương án bán vàng miếng trực tiếp thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước? Có nước nào thực hiện giải pháp này chưa?
Các chính sách quản lý và điều tiết thị trường vàng tại Việt Nam có những đặc điểm riêng. Chúng tôi được biết rằng các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam đang đưa ra nhiều chỉ đạo để giảm mức chênh lệch giá vàng nhằm giữ giá vàng trong nước phù hợp với giá vàng thế giới, cũng như ổn định thị trường vàng trong nước. Bất kỳ chính sách nào được sửa đổi giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu vàng vào Việt Nam nhằm tăng nguồn cung và giúp thu hẹp chênh lệch giá đều được hoan nghênh.
Thực tế là không có nhiều ví dụ về các quốc gia khác nơi Ngân hàng Trung ương hoặc chính phủ đang tổ chức phiên đấu giá vàng trực tiếp cho công chúng. Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chính phủ đặc biệt can thiệp vào thị trường vàng để đối phó với tình trạng giá vàng chênh lệch quá cao. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng cách sử dụng vàng dự trữ để tăng nguồn cung ra thị trường nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ Ấn Độ cũng đã phát hành trái phiếu gắn liền với diễn biến của giá vàng để giảm nhu cầu đầu tư.
- Có thể nói, vấn đề cốt lõi cần giải quyết trên thị trường vàng Việt Nam là sự cân bằng cung-cầu. Theo ông, cần thực hiện những giải pháp thích ứng phù hợp nào để ổn định thị trường và giá vàng mà không gây ra tác động tiêu cực?
Mặc dù chúng ta hiểu rõ về tác động tích cực của việc xóa bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nhưng cũng có những lo ngại về việc chấm dứt việc độc quyền này có thể ảnh hưởng như thế nào đến thị trường vàng Việt Nam. Và với nhu cầu mạnh mẽ về vàng trong nước, chúng tôi cho rằng cần tăng nguồn cung vàng thông qua sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước để vàng có thể tìm đường vào Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam nên xem xét cho phép nhập khẩu vàng nhiều hơn như một giải pháp khả thi để tăng nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và ổn định thị trường vàng.
- Nhìn lại những biến động của thị trường vàng Việt Nam thời gian qua, ông có bình luận gì?
Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về vàng ở Việt Nam rất lớn. Một số yếu tố ảnh hưởng đến biến động của giá vàng là chính sách tiền tệ của Mỹ và khả năng cắt giảm lãi suất, sự bất ổn chính trị và môi trường rủi ro trên toàn cầu - đặc biệt là rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng.
Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới trong quý 1 năm 2024 cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu (bao gồm lượng mua vào của thị trường phi tập trung OTC) tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn, đánh dấu quý 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Không tính thị trường OTC, nhu cầu vàng giảm 5% xuống còn 1.102 tấn trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất trong quý 1 với hơn 14 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý 1, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao – được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát - và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce.
- Ông có thể chia sẻ về nhu cầu vàng trang sức tại thị trường Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024? Có vẻ như khi giá vàng tăng cao, thị trường giao dịch vàng trang sức trở nên trầm lắng hơn, bình luận của ông về tình trạng này ra sao?
Nhu cầu vàng trang sức trên toàn cầu vẫn ổn định bất chấp mức giá cao kỷ lục, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều có mức giảm tương tự nhau trong quý 1, giảm 10% – 12% do đợt tăng giá vàng vào cuối quý 1 đã làm hạn chế nhu cầu mua trong tháng 3.
Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu vàng trang sức trong quý 1 ghi nhận mức sụt giảm lần thứ 5 liên tiếp, giảm hơn 10% xuống còn 4 tấn, được ghi nhận là quý có nhu cầu thấp nhất kể từ năm 2015. Bất chấp nhu cầu bùng nổ trong tháng 2 vào dịp Tết Nguyên Đán và Ngày Thần Tài, nhu cầu vàng trang sức vẫn bị chi phối do giá vàng tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy, bất chấp giá vàng biến động, nhu cầu vàng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
- Đối với nhà đầu tư Việt Nam, mua vàng là khoản đầu tư lâu dài và là thói quen tích lũy. Trong bối cảnh giá vàng biến động như hiện nay, ông có lời khuyên nào dành cho người dân khi mua vàng?
Vàng là một tài sản có thể đáp ứng nhiều mục đích. Sự thiếu tương quan với các loại tài sản khác giúp vàng đa dạng hóa vai trò của nó, bên cạnh vai trò truyền thống của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn có thể bảo vệ khỏi rủi ro mất giá. Chúng tôi tin rằng vàng có thể là một tài sản hữu ích cho hầu hết các nhà đầu tư, nhưng họ nên chú ý nhận thức rõ vai trò của vàng trong tổng thể danh mục đầu tư của họ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) là một tổ chức thành viên thúc đẩy vai trò quan trọng của vàng như một tài sản chiến lược và đóng góp vào việc thiết lập chuỗi cung ứng vàng bền vững và dễ tiếp cận cho mọi người. Đội ngũ chuyên gia của tổ chức nâng cao kiến thức về đầu tư, cũng như tiềm năng của vàng thông qua các nghiên cứu, phân tích, bình luận và chia sẻ thông tin đáng tin cậy. WGC thúc đẩy tiến bộ trong ngành, hình thành chính sách và thiết lập các tiêu chuẩn cho thị trường vàng bền vững và ổn định lâu dài.