Sau 10 năm từ khi ra đời, chỉ còn lại một cái tên duy nhất là Công ty cổ phần Minh Hưng.

Để góp phần “giải oan” cho gạch không nung, mở lối thị trường, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn với ông Lê Đình Sung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Minh Hưng.

- Thưa ông, bí quyết gì giúp Minh Hưng trụ vững trong thị trường rất khó tính này?

Minh Hưng đầu tư nhà máy gạch không nung từ năm 2014, mãi đến năm 2017 mới chọn được thiết bị. Vấn đề tiên quyết là công nghệ, nếu sử dụng công nghệ châu Âu là rất đắt, cạnh tranh không được do giá thành sản phẩm cao. Thiết bị Trung Quốc tầm khoảng 40% của châu Âu thuộc khối G7.

Các đơn vị khác mua thiết bị Quảng Đông là chủ yếu, còn thiết bị của Minh Hưng mua từ một nhà cung cấp từ Thượng Hải - đơn vị chuyên sản xuất dây chuyền xuất khẩu sang châu Âu. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm mà tôi rút ra rằng, tất cả công nghệ sản xuất gạch không nung đều phải nén và rùng đồng thời, cường độ lên tới 180 tấn.

Ở Bình Dương phát triển gạch không nung rất mạnh, qua một chuyến công tác, tôi được tiếp cận với công nghệ này với sự khác biệt hoàn toàn. Sau đó quyết định sang tận Trung Quốc đến đúng công ty sản xuất dây chuyền này để mua về.

- Vậy, Minh Hưng đã làm gì để tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng nhiều công trình lớn tại địa phương?

Bí quyết nằm ở “khuôn rùng”, vừa nén vừa rùng, khi ép xuống trở thành một khối không bị đứt gãy. Nếu khối nén không đủ nguyên liệu sẽ tạo ra kẽ hở siêu nhỏ hơn sợi tóc, khoảng vài mimicron. Khi kết cấu lên công trình lâu ngày bị nước thấm qua.

Để đạt được các tiêu chí kỹ thuật, với gạch không nung, đòi hỏi nhà sản xuất phải tỉ mỉ hơn trong 3 tiêu chí: cường độ nén, cường độ uốn, độ thấm nước. Khi đạt được cường độ nén, cần thêm phụ gia để bít hoàn toàn lỗ hổng siêu nhỏ trong viên gạch. Sở dĩ trước đây các nhà sản xuất gạch không nung bị lỗi, do sử dụng công nghệ ép tĩnh, thiếu nguyên liệu.

Phải tuân thủ chế độ bảo dưỡng sau khi gạch ra khỏi khuôn ép, giữ đủ độ ẩm ít nhất 24 tiếng đồng hồ từ khi sản xuất, khi đạt được cường độ 25mpa, đưa ra bãi tiếp tục dưỡng ẩm.

Khi viên gạch đạt được tiêu chuẩn, yếu tố tiếp theo là vữa xây phải đảm bảo theo MAC từ 75-100. Nếu công trình bị thấm nước qua mạch vữa tức là do đơn vị thi công không đảm bảo kỹ thuật. Khi vữa xây đúng MAC cũng cần tuân thủ chế độ bảo dưỡng, giữ ẩm cho công trình ít nhất 7 ngày từ khi ghép thành khối.

Hiện tại Quảng Trị có khá nhiều công trình lớn sử dụng gạch không nung Minh Hưng, như: tòa nhà trụ sở Công ty điện lực Quảng Trị, Bảo hiểm xã hội Quảng Trị, Trường cao đẳng nghề, Trường cao đẳng Y tế và các Trung tâm Y tế.

Giải oan cho gạch không nung

Một mẻ gạch không nung mới ra lò tại nhà máy của Công ty Minh Hưng. Ảnh: Khắc Trà

- Thưa ông, chiến lược quảng bá sản phẩm của Minh Hưng có gì khác so với đối thủ trên thị trường?

Khi chúng tôi cung cấp gạch không nung cho công trình, khách hàng, đơn vị thi công - đều kèm theo khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng. Ủng hộ các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng quản lý chặt chẽ, thường xuyên cử cán bộ xuống các đơn vị sản xuất lấy mẫu nguyên liệu đột xuất.

Sau nhiều lần lấy mẫu, thử nghiệm đánh giá chất lượng, sản phẩm của doanh nghiệp nào không đạt đều “được” khuyến cáo trên cổng thông tin của Sở. Tôi cho rằng, đó là việc làm cần thiết và nên thường xuyên để bảo vệ uy tín cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chúng tôi đã quảng bá rất nhiều, vừa tham mưu cho Sở Xây dựng tổ chức hội chợ triển lãm, thuyết trình với chủ đầu tư của các dự án. Chúng tôi cũng đã kết nối với Vụ Vật liệu - Bộ Xây dựng, sau đó tổ chức hội thảo chuyên đề về gạch không nung.

- Ông có khuyến cáo như thế nào về tương lai gạch không nung?

Chính phủ đồng tình cho phát triển gạch không nung là chủ trương đúng đắn, hợp xu thế phát triển “xanh”, bảo vệ môi trường sinh thái. Do vậy, dùng nguyên liệu đất nông nghiệp đã bị cấm triệt để, hiện nay các tỉnh miền Trung diện tích đất đồi còn rất nhiều.

Sắp tới đây Minh Hưng sẽ đầu tư nhà máy gạch công nghệ cao, không sử dụng đất sét ruộng. Thay vào đó sử dụng đất đồi, với yêu cầu sử dụng công nghệ hiện đại trong công tác xử lý nguyên liệu, ngâm ủ ít nhất 21 ngày tạo độ dẻo, khi đó chất lượng thành phẩm sẽ vượt trội so với gạch truyền thống.

Có 3 mấu chốt với ngành này: bí quyết hàng đầu là công nghệ; tuân thủ quy trình sản xuất và khuyến cáo nhà thi công đảm bảo kỹ thuật xây dựng. Nhưng, điều khó khăn nhất với chúng tôi hiện nay là thói quen sử dụng vật liệu xây dựng của người dân.

Chính ngay lãnh đạo của các đơn vị chủ đầu tư xây dựng công trình cũng e ngại sử dụng gạch không nung - do nhiều công trình đã bị sự cố, dẫn đến sợ trách nhiệm. Minh Hưng đã từng mời cơ quan chức năng đến mục sở thị công nghệ tại nhà máy, sau khi chứng kiến quy trình sản xuất để họ yên tâm.

Để tạo niềm tin, tôi mong rằng, Ban quản lý dự án cam kết với nhà sản xuất gạch không nung, để chúng tôi giám sát quá trình xây dựng, nếu có sự cố xảy ra chúng tôi sẵn sàng bồi thường toàn bộ công trình.

- Trân trọng cảm ơn ông!