Mục tiêu phát triển
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thành lập mới được 2.731 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, có 782 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 102 HTX thành lập mới, qua đó đã tạo ra hơn 21.000 việc làm tăng thêm, tăng 5% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã đóng góp vào tổng thu thuế, phí của tỉnh là 28.556 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 82% tổng thu thuế, phí toàn tỉnh.
Theo ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đã có nhiều đóng góp tích cực, cùng Quảng Ninh vượt khó trong năm 2023, giúp tỉnh hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Quảng Ninh đã giữ được đà tăng trưởng GRDP trên hai con số năm thứ 9 liên tiếp; nhiều chỉ tiêu về văn hóa - xã hội con người của cả giai đoạn 2020-2025 đã thành công...
Để có được kết quả này, ngoài những nền tảng về môi trường đầu tư kinh doanh được khẳng định qua nhiều năm thì các công tác về cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động kinh doanh được duy trì thường xuyên đạt hiệu quả thực chất.
Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp năm 2023. Trong đó, tập trung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ kê khai thuế, kế toán, công nghệ, khởi nghiệp, mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đến việc gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2023, qua các chương trình tiếp xúc doanh nghiệp và qua nhiều kênh thông tin khác, đã có 97 ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được giải quyết, trả lời thỏa đáng.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá rất cao công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu tỉnh luôn kịp thời lắng nghe, tìm giải pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp. Qua các cuộc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp hoặc qua các kênh thông tin gián tiếp, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Với mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp trong năm 2024, tỉnh xác định việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, vốn, nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp...
Nhờ nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có 328 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, nâng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 17.262 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc; tổng số vốn đăng ký của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đạt gần 346.000 tỷ đồng. Cũng trong tháng đầu năm 2024, đã có 23 HTX thành lập mới, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (chiếm 87%), còn lại là các ngành nghề bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Để có được kết quả đó, bên cạnh sự chủ động, tích cực, nỗ lực vươn lên của chính doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nữa là sự vào cuộc tích cực của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo CN Ngân hàng nhà nước Quảng Ninh, năm qua, Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên. Đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Với 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2 điểm %, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo là gần 15.000 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2022. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng cũng tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo Cục Thuế tỉnh, thời gian qua đơn vị cũng đã chủ trì làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh các chính sách giảm, gia hạn thuế do Quốc hội và Chính phủ ban hành giúp cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, có thêm nguồn lực tập trung sản xuất kinh doanh. Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện giảm khoảng hơn 1.700 tỷ đồng và gia hạn hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.
Cục Hải quan tỉnh cho biết để hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, đơn vị cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch để triển khai các giải pháp chung, giải pháp chuyên đề/chuyên sâu theo các lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK. Trong đó quan trọng nhất là việc thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt, lắng nghe, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền...
Để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng được vị thế trên thị trường bằng chính năng lực sản xuất, kinh doanh, đầu năm 2023, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đồng thời tổ chức thành công sự kiện Kết nối cung cầu công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023...
Nhờ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ tích cực, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đang từng bước được cải thiện và nâng cao. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp giảm tối đa chi phí, thời gian tuân thủ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó thực sự tạo ra “cú hích” cho phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm mở thêm dư địa cho thu ngân sách, đồng thời ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong giai đoạn tới.