Thu hút, giữ chân người lao động luôn là nỗi lo hàng đầu của nhiều doanh nghiệp sau Tết. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Theo đại diện Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long - KCN Hải Yên, TP Móng Cái chia sẻ: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng sợi, chỉ may và một số mặt hàng dệt may, với gần 3.000 công nhân làm việc trên các dây chuyền sản xuất.
Để giữ chân người lao động quay trở làm việc, ngoài đảm bảo mức tiền lương, tăng ca và tiền thưởng theo quy định, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua công ty còn bố trí các chuyến xe để hỗ trợ đưa, đón tất cả công nhân có nhu cầu về quê ăn Tết và quay trở lại làm việc. Với các giải pháp chăm lo cho người lao động, tính đến ngày 19/2, 100% công nhân của công ty đã trở lại làm việc, các dây chuyền duy trì sản xuất ổn định với trên 330 tấn hàng hóa/ngày.
Theo báo cáo của Ban Quản lý KKT tỉnh và các địa phương, đến nay, tất cả các doanh nghiệp trong 7 KCN có nhà đầu tư thứ cấp và các CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã quay trở lại hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, duy trì ổn định nhịp độ sản xuất, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
Còn đối với các đơn vị ngành Than, sau kỳ nghỉ Tết, hàng chục nghìn công nhân lao động đã trở lại guồng sản xuất. Mục tiêu cao nhất của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là huy động tối đa nhân lực sản xuất đáp ứng đủ than cho thị trường và đảm bảo an toàn trong sản xuất, phấn đấu năm 2024 sản xuất 37,6 triệu tấn than nguyên khai; than tiêu thụ 51 triệu tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng - Phó Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai cho biết: Thực hiện chỉ đạo của TKV, công ty đã phát động các phong trào thi đua trong lao động sản xuất của quý I. Nội dung của các phong trào thi đua tập trung vào tiết kiệm chi phí, nâng cao thời gian hữu ích của thiết bị, đảm bảm an toàn lao động, đẩy nhanh tốc độ ra than vỉa chính, phấn đấu kết thúc quý I, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh sẽ đạt khoảng 30% kế hoạch năm, trong đó than khai thác 555.000 tấn, bốc xúc trên 6,8 triệu m3 đất đá.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết mùa khô thuận lợi, Công ty CP Than Đèo Nai đang tập trung nhân lực, xe, máy ở đáy mong với độ sâu 235m so với mực nước biển, đẩy nhanh tốc độ bốc xúc 100.000m3 bùn đất để có thể tiếp cận nguồn than tốt ở vỉa chính trong thời gian sớm nhất. Năm 2024, Công ty CP Than Đèo Nai phấn đấu sản xuất 2,25 triệu tấn than, trong đó than khai thác là 1,7 triệu tấn.
Theo Sở LĐ-TB&XH, tình trạng thâm hụt lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết, nhất là các ngành nghề có số lượng lao động trực tiếp lớn như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm… luôn là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, số lao động quay trở lại làm việc trên địa bàn hiện đã đạt trên 97%.
Hiện số lượng công nhân lao động nghỉ việc sau Tết không nhiều vì các công ty, doanh nghiệp đã có chế độ đãi ngộ tốt hơn, nhất là điều kiện làm việc, tiền lương đã từng bước được cải thiện.
Các doanh nghiệp của ngành Than và một số doanh nghiệp trong KCN đã có những ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, vì vậy người lao động đã yên tâm an cư lập nghiệp và ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương sẽ theo dõi sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh để có giải pháp hỗ trợ, đồng hành hiệu quả với các doanh nghiệp, nhất là về các khâu GPMB, thủ tục hành chính và tuyển dụng bổ sung nguồn lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.