Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng trường Điện - Điện tử (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: chuỗi công nghiệp bán dẫn gồm 3 khâu chính là thiết kế, sản xuất, đóng gói với sự kết nối chặt chẽ, đòi hỏi nguồn vốn lớn, trình độ quản lý và công nghệ cao.

Ngoài 3 khâu chính, trong chuỗi công nghiệp bán dẫn còn có các bộ phận liên quan đến cung cấp phần mềm, máy móc công cụ, vật liệu. Mỗi khâu, mỗi bộ phận, theo ông Nguyễn Đức Minh lại có yêu cầu về nhân lực khác nhau.

Đào tạo nhân lực bán dẫn theo “tín hiệu” của thị trường

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng trường Điện - Điện tử (ảnh: Đ.H)

Chẳng hạn, khâu thiết kế cần cử nhân ngành điện, điện tử, điện tử viễn thông hay thạc sỹ liên quan đến bán dẫn… Trong sản xuất cần kỹ sư, cử nhân của nhiều ngành như điện, điện tử, vật liệu, vật lý kỹ thuật, vi điện tử, nano, hoá học… Trong đóng gói và kiểm tra cần hầu hết cử nhân các ngành kỹ thuật nói chung.

Từ dữ liệu của các doanh nghiệp chip bán dẫn hàng đầu thế giới, ông Nguyễn Đức Minh thông tin, kỹ sư ngành điện được doanh nghiệp tuyển sinh nhiều nhất (với tỷ lệ dao động từ 15 - 40%) cho dù doanh nghiệp đó chỉ thiết kế không sản xuất hay doanh nghiệp chuyên sản xuất. Bên cạnh đó, nhân sự làm kinh doanh, công nghệ thông tin chiếm số lượng lớn.

Về trình độ bằng cấp, số lượng nhân sự có trình độ tiến sỹ không nhiều nhưng trình độ thạc sỹ khá lớn, nhất là tại các doanh nghiệp bán dẫn ở Đài Loan. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp sản xuất tuyển nhân sự có trình độ cao đẳng, thậm chí có cả nhân sự tốt nghiệp phổ thông.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cộng đồng vi mạch, đội ngũ kỹ sư hiện có đa phần làm ở lớp dưới (vật lý, kiểm thử) hoặc thực hiện các công việc theo “đơn đặt hàng” của các doanh nghiệp đối tác; chưa quen làm ở mức kiến trúc, đưa ra các giải pháp tổng thể.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực bán dẫn trên thế giới và Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, thị trường nhân lực đang thiếu hụt số lượng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là thị trưởng thay đổi nhanh, chu kỳ ngắn.

Đặc biệt là công nghiệp bán dẫn của Việt Nam còn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Thị trường lao động trong lĩnh vực này mới hình thành, chủ yếu dưới dạng tiềm năng. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chủ yếu đầu tư nhỏ lẻ, ngắn hạn, thiếu nguồn lực đầu tư lớn như các nước.

Trong thời gian gần đây, khi thông tin về cơ hội lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam được tuyên truyền rộng rãi, theo ông Nguyễn Đức Minh, năm nay, số lượng học sinh quan tâm đến ngành bán dẫn vi mạch tại Đại học Bách Khoa tăng đột biến, gấp gần 10 lần. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. 

Đào tạo nhân lực bán dẫn theo “tín hiệu” của thị trường

Đại học Bách Khoa Hà Nội đã sẵn sàng đào tạo nhân sự bán dẫn theo yêu cầu của thị trường

Theo thống kê từ 400 sinh viên ngành điện tử viễn thông tại Đại học Bách Khoa tốt nghiệp năm 2023 thì có khoảng 10 - 15% trong số đó có thể làm việc trong lĩnh vực vi mạch. Số sinh viên còn lại làm việc trong lĩnh vực khác với mức lương trung bình sau khi ra trường từ 13-15 triệu đồng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sau khi tuyển dụng nhân sự mới ra trường, đa phần doanh nghiệp cần từ 9 - 12 tháng đào tạo tiếp thì nhân sự có thể bắt đầu làm việc trong doanh nghiệp. Vì vậy, để rút ngắn quá trình đào tạo lại từ 12 tháng trong doanh nghiệp xuống còn 6 tháng, một số cơ sở đào tạo hiện nay tổ chức các dự án hướng dẫn, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp gửi sinh viên thực tập; thực hiện các đề tài, dự án với doanh nghiệp hoặc thông qua sự hướng dẫn thực hành của các cựu sinh viên đã có kinh nghiệm thực chiến tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo, trong đó có Đại học Bách Khoa tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu để chuyển đổi sinh viên của các ngành gần như kỹ thuật máy tính, tự động hoá, cơ điện tử… sang kỹ sư thiết kế vi mạch nhằm hướng đến mục tiêu tăng nhanh quy mô. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô ở mức độ nào còn tuỳ thuộc vào tín hiệu của thị trường hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp.