Co-branding là khái niệm liên quan đến những sự sắp xếp khác nhau trong marketing. Nó gắn kết một sản phẩm hoặc dịch vụ với nhiều hơn một thương hiệu hoặc gắn kết sản phẩm với một cá nhân nào đó ngoài nhà sản xuất.
Co-branding cũng được gọi là đối tác thương hiệu khi hai công ty hình thành liên minh để cùng làm việc, tạo ra sự hợp lực về marketing. Co-branding còn được dùng để khái quát một loạt hoạt động marketing liên quan đến hai hay nhiều thương hiệu.
Một dạng hợp tác thương hiệu điển hình là hai hoặc nhiều công ty hợp tác để gắn các thành phần nhận dạng thương hiệu như logo, tên hiệu vào một sản phẩm nào đó. Mục đích của việc hợp tác này nhằm kết hợp sức mạnh của hai hoặc nhiều thương hiệu để gia tăng sự vượt trội về giá trị mà khách hàng sẵn sàng chi trả, tăng cường khả năng chống lại sản phẩm hoặc dịch vụ của mỗi nhà sản xuất riêng lẻ hoặc giúp kết nối sự cảm nhận đa dạng của các thương hiệu cho một sản phẩm nào đó.
Trong đó, hoạt động Co-branding giữa Starbucks và Disney là một trong những điển hình minh chứng cho việc liên minh thành công giữa hai thương hiệu quốc tế. Từ năm 2012, Starbucks đã “bắt tay” cùng Disney, sự kiện này giúp Starbucks liên tục đưa ra những sản phẩm mới sử dụng hình ảnh của thương hiệu nổi danh trên toàn thế giới này.
Mặt khác, chiến dịch kết hợp cũng thể hiện tham vọng của Disney trong việc phủ sóng hình ảnh đến đông đảo công chúng và nhanh chóng tấn công vào thị trường tiềm năng tại Việt Nam.
Bộ sưu tập phiên bản giới hạn lấy cảm hứng từ tình bạn gắn kết của các nhân vật Disney quen thuộc như Chuột Mickey, Chuột Minnie, Vịt Donald,...Với thiết kế sinh động, thể hiện được nét vui nhộn của các nhân vật cùng ẩn chứa những thông điệp đầy ý nghĩa về tình bạn – bộ sưu tập mong muốn truyền tải được năng lượng tích cực của chú chuột Mickey và những người bạn đến gần hơn với người hâm mộ ở mọi lứa tuổi.
Starbucks và Disney là 2 thương hiệu khác lĩnh vực, vì vậy thông qua việc hợp tác có thể dễ dàng tận dụng thế mạnh của nhau, từ đó cùng chia sẻ những giá trị cộng hưởng để cùng nhau thành công. Mỗi thương hiệu đều có thị phần và tệp khách hàng của riêng mình trong hoạt động kinh doanh. Thông qua hợp tác với một thương hiệu khác, doanh nghiệp có thể tiếp cận đến những người dùng mới nằm ngoài lĩnh vực và kiến họ trở thành khách hàng, mở rộng thị phần của mình.
Cũng nằm trong chuỗi hoạt động mùa hè của Starbucks, bên cạnh việc tăng cường hợp tác với Disney, thương hiệu này còn ra mắt đồ uống mới cùng những bộ sưu tập độc đáo khác như bộ sưu tập “Seaside Gateway” với thiết kế tươi mát, tiện dụng, làm dịu đi cái nóng của mùa hè và trở thành người đồng hành tuyệt vời cho những chuyến đi.
Theo các chuyên gia, hợp tác thương hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí xây dựng thương hiệu, chia sẻ các rủi ro, đặc biệt khi đưa thương hiệu tham gia vào một thị trường mới với nhiều rào cản. Khi đưa sản phẩm/thương hiệu vào thị trường nước ngoài, hợp tác thương hiệu với các thương hiệu địa phương thì việc xâm nhập và đầu tư cho phát triển thương hiệu sẽ ít tốn kém hơn.
Đồng thời giúp các doanh nghiệp có thể tận dùng nguồn vốn, các kỹ năng hay thậm chí cả chất xám từ đối tác để kinh doanh tốt hơn. Hầu hết các công ty, các thương hiệu đều có khả năng giới hạn trong một số lĩnh vực khác nhau. Sự kết hợp, chia sẻ các nguồn lực và lợi thế giữa các đối tác sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp không chỉ với quan hệ hợp tác mà còn củng cố nội lực của bản thân các thành viên.