Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), khẳng định đến thời điểm hiện tại có thể nhận định quý 1/2023 đã là vùng đáy của thị trường BĐS. Đến nay thị trường đã có bước hồi phục nhưng vẫn còn rất khó khăn, mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rất rõ nét tại TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu đưa ra dẫn chứng quý 1/2023, thị trường BĐS TP.HCM tăng trưởng âm 16,2% thì đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống còn âm 11,58%, đến cuối quý 3/2023 tăng trưởng âm 8,71% và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường BĐS đã giảm 42,3% so với quý 1/2023. Chốt năm 2023, kinh doanh BĐS là ngành dịch vụ duy nhất tăng trưởng âm tại TP.HCM, dù đã cải thiện liên tục qua từng quý.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, ngành kinh doanh BĐS của địa phương tăng trưởng âm 6,38% trong năm 2023, trường hợp cá biệt khi các ngành dịch vụ khác đều có năm tăng trưởng từ hơn 3% đến trên 10%. Trong hơn 52.100 doanh nghiệp (DN) thành lập mới năm qua với vốn đăng ký trên 470.300 tỉ đồng, kinh doanh BĐS chỉ có 1.541 đơn vị với quy mô hơn 61.100 tỉ đồng, giảm 38,7% về lượng và giảm 44,9% về vốn.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng tại địa bàn TP.HCM cũng kém sôi động. Tính đến cuối tháng 11, toàn thành phố đã cấp gần 21.300 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn với diện tích sàn trên 4 triệu m2, giảm lần lượt 29% về giấy phép và 29,6% về diện tích so với cùng kỳ 2022.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định đến nay thị trường vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng như không có thêm nhà ở xã hội. Thị trường tiếp tục bị mất cân đối, lệch pha sản phẩm nhà ở, "lệch" về phân khúc nhà ở cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70 - 80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân, dẫn đến tình trạng rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội là loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.
Điều này khiến giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn "neo cao" vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư. Hiện với mức giá của căn hộ bình dân là khoảng 2 - 3 tỉ đồng/căn thì người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà, mà nếu không thay đổi chính sách nhà ở xã hội thì người nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 (hiện nay quy định dưới 60 triệu đồng/năm) cũng không được mua nhà ở xã hội.
Theo chuyên gia BĐS Phan Công Chánh, sở dĩ thị trường BĐS tăng trưởng âm bởi thị trường không có nhiều sản phẩm mới. Tại TP.HCM chỉ có dự án mới duy nhất mở bán là của Tập đoàn Khang Điền hoàn thành pháp lý và mở bán cũ. Đa số các dự án mở bán thời gian qua là ở các giai đoạn tiếp theo. Do không có nhiều dự án mới nên thị trường không có nhiều giao dịch, DN không có doanh thu. Trong khi sản phẩm mới không có thì pháp lý của các dự án cũng gần như bế tắc nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng không được. "Giá BĐS vẫn neo ở mức cao, người dân vẫn đang tiếp tục chờ giá BĐS giảm thêm mới mua đã khiến thị trường đã khó càng thêm khó. Đến nay 2 điểm nghẽn của thị trường BĐS là pháp lý và hấp thụ vốn vẫn chưa cải thiện nhiều khiến phần lớn DN BĐS chưa thể vượt qua khó khăn", vị này đánh giá.
Nghỉ tết sớm và chưa có ngày đi làm
Một khảo sát "bỏ túi" của Thanh Niên tại các DN BĐS cho thấy đến thời điểm này nhiều DN ngành địa ốc đã cho nhân viên nghỉ tết và chưa có thông báo bao giờ mới đi làm lại bởi không đủ lực để duy trì tiếp hoạt động. Số DN còn hoạt động cũng cầm chừng vì bán hàng không được.
Khi được hỏi khi nào DN sẽ nghỉ tết, lãnh đạo một tập đoàn BĐS thừa nhận phần lớn công việc đã không "chạy" gần một năm nay. Hiện công ty chỉ còn dàn lãnh đạo và bộ phận chạy pháp lý làm việc, riêng bộ phận kinh doanh đã không còn sản phẩm để bán nên công ty đã cắt giảm và cho nghỉ từ lâu, chỉ giữ lại dàn khung lãnh đạo quản lý. Bộ phận này cũng chưa biết bao giờ mới đi làm lại vì còn chờ thị trường hồi phục cũng như phải có sản phẩm mới. "Đến giờ DN vẫn phải chạy ăn từng bữa, giật gấu vá vai để tồn tại.
Ngay cả làm nhà ở xã hội còn không thể thực hiện được do vướng pháp lý thì nói gì đến nhà ở thương mại. DN có dự án nhà ở xã hội đã động thổ từ dịp 30.4 năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa xong các thủ tục pháp lý. Nên năm nay không có tết. Nhiều nhân viên hỏi tôi về thưởng, tôi nói thẳng năm nay giữ được công việc là may rồi, đừng nghĩ đến thưởng tết", vị này nói.
Lãnh đạo Công ty BĐS Anh Tuấn cũng chia sẻ từ mấy năm nay DN của ông không có việc gì làm, gần như rơi vào tình trạng "ngủ đông". "Chính xác thì 4 năm nay không có sản phẩm để bán, tiền không thu được, pháp lý cũng loay hoay mãi không ra nên nguồn thu cũng không có. Nhưng không riêng gì chúng tôi. Mới đây mấy anh em DN ngồi với nhau ai cũng than. DN lớn khổ lớn, DN nhỏ khổ nhỏ. Năm nay có lương cho anh em là may mắn rồi, lấy đâu ra thưởng. Giờ công ty cũng đã cho nhân viên nghỉ hết, hơn 100 người chỉ còn giữ 20 người và chủ yếu là làm pháp lý và văn phòng. Hy vọng năm 2024, DN sẽ hoàn thành pháp lý cho một dự án ở Q.7 và sẽ có sản phẩm để bán. Nếu năm sau mà dự án không xong nữa chắc chúng tôi chắc cũng không cầm cự thêm nổi nữa", vị này nói.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh, đã cho khối kinh doanh nghỉ tết từ giữa tháng 12.2023, riêng khối vận hành thì trước ngày 15.1. "Bán hàng không được nên DN cho nhân viên nghỉ tết sớm vừa cơ cấu lại hoạt động, vừa giảm chi phí vận hành. Đến nay, để duy trì được bộ máy hoạt động đã là một thách thức vô cùng lớn bởi thị trường rất khó khăn, sản phẩm khan hiếm, tâm lý người mua dè dặt khiến cho các DN BĐS càng khó khăn hơn", ông Thiện rầu rĩ.
Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đã không còn nợ một đồng trái phiếu nào và cũng chưa sa thải nhân viên, nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn Phát Đạt thừa nhận, năm nay DN và bản thân người lao động không nghĩ đến việc thưởng tết.
Lãnh đạo các DN đều bày tỏ kỳ vọng vào năm 2024, các nút thắt sẽ được tháo gỡ để thị trường phục hồi.
Giá BĐS vẫn neo ở mức cao, người dân vẫn đang tiếp tục chờ giá BĐS giảm thêm mới mua đã khiến thị trường đã khó càng thêm khó. Đến nay 2 điểm nghẽn của thị trường BĐS là pháp lý và hấp thụ vốn vẫn chưa cải thiện nhiều khiến phần lớn DN BĐS chưa thể vượt qua khó khăn.
Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh
DN BĐS giải thể tăng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy năm 2023, lĩnh vực kinh doanh BĐS có 4.725 DN thành lập mới và 1.286 DN giải thể. So với năm trước, số lượng DN thành lập mới giảm 45%, ngược lại số lượng DN giải thể tăng gần 8%. Trung bình mỗi tháng, khoảng 107 DN BĐS rời bỏ thị trường. Lĩnh vực kinh doanh BĐS có số lượng DN giải thể tăng mạnh so với năm trước.