PNO – Trang phục vải lụa rất đẹp nhưng cũng dễ hư hỏng nếu không biết cách chăm sóc. Hãy lưu ý những thói quen sau để đồ lụa luôn đẹp như mới.
Giặt tay hoặc chọn chế độ đặc biệt: Vải lụa không chịu được lực tác động mạnh. Do đó nếu giặt máy bạn cần chọn chế độ giặt nhẹ, giặt đồ len, giặt linen để giúp giữ sợi vải không bị rút sợi. Tốt nhất đồ lụa là nên giặt bằng tay vì chúng rất nhẹ, dễ giặt, giữ trang phục bền lâu hơn.
Dùng nước lạnh khi giặt: Vải lụa khi gặp nước nóng sẽ bị co lại mất dáng. Bởi vậy hãy nhớ không được cho giặt bằng nước nóng mà phải giặt bằng nước lạnh để giữ sợi vải không bị co rút.
Không vắt, vặn, xoắn mạnh vải khi phơi: Vải lụa rất dễ khô nên bạn không cần phải vặn xoắn vắt kiệt nước. Vặn xoắn mạnh sẽ làm nhăn vải, lưu ý vắt nhẹ và treo một cách tự nhiên để lụa phẳng, hạn chế phải là ủi.
Chọn chất giặt rửa nhẹ: Hãy giặt đồ lụa bằng dầu gội, sữa tắm, nước giặt tự nhiên… là vì vải lụa rất mềm, dễ sạch và sẽ dễ bị bạc màu khi tiếp xúc với hóa chất mạnh. Lưu ý khi giặt bạn cũng không nên đổ trực tiếp sản phẩm giặt rửa lên vải, hãy cho chúng vào nước, đánh tan rồi mới cho quần áo lụa vào.
Tránh phơi dưới nắng to: Nắng to dễ làm sợi lụa bạc màu, khiến dáng quần áo mất dáng tự nhiên ban đầu vì làm sợi lụa co rút không đều. Do đó hãy phơi ở nơi có nắng nhẹ, thoáng gió. Vải lụa rất đẹp và trị giá cao so với những loại vải khác nên cũng cần bảo quản đồ lụa cẩn thận hơn.
Cẩn thận với những vật nhọn xước khi tiếp xúc đồ lụa: Móng tay vừa cắt có thể làm xước và rút sợi khi chạm vào lụa. Tủ quần áo có vật sắc nhọn, móc treo quần áo có đầu nhọn, kẹp vải có nhiều răng ngoàm… cũng có thể làm xước sợi vải. Do đó, bạn nên chú ý khi tiếp xúc vải lụa để chúng không bị rút sợi.