“Áo dài được xem là quốc phục của Việt Nam nhưng sự hiện diện của nó trong đời sống lại vô cùng trái ngược. Vì yêu cầu về tính trang trọng nên áo dài luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong những dịp lễ hội hoặc sự kiện mang tính quốc gia” – Huy Võ mở đầu câu chuyện.
|
Một số thiết kế của Huy Võ trên sàn diễn |
Mong chiếc áo “quốc dân” trở nên phổ biến trong đời sống hằng ngày
Sẽ như thế nào nếu biến đổi áo dài, để chiếc áo trở thành một sản phẩm thời trang hiện đại, có tính ứng dụng cao mà vẫn giữ được những chi tiết tinh tế cần có? Suy nghĩ này đã thôi thúc nhà thiết kế Huy Võ, sau 3 năm tìm tòi, phát triển, ra mắt thương hiệu Áo dài Madame by Huy Võ cách đây gần 1 năm. Có 2 điểm đặc biệt trong chiếc áo dài của Huy.
Thứ nhất, thay vì tìm phương thức cách tân, biến tấu, Huy chọn dáng suông cho áo dài. Điều này giúp chiếc áo dài tạo được độ thoải mái cho người mặc và không kén dáng người. Thứ hai, thay vì thêu hoa, đính kết làm điểm nhấn, Huy dành thời gian nghiên cứu, làm việc với các làng nghề trong Nam, ngoài Bắc để cho ra những mẫu lụa, gấm hoa có màu và họa tiết đặc trưng. Huy nói, bản thân chiếc áo dài đã đẹp. Vẻ đẹp đó vượt thời gian, không gian, cho nên chỉ cần chọn chất liệu tốt đã có thể tôn được vẻ đẹp ấy.
“Tôi không phê phán những cách tân, tìm tòi để làm mới chiếc áo dài. Mọi sự sáng tạo đều xứng đáng được tôn vinh. Chỉ là tôi đang vì mục tiêu đưa chiếc áo dài trở nên phổ biến hơn trong đời sống hằng ngày, cũng như mang lại sự thoải mái, tiện dụng cho người mặc, nên chọn dáng suông và tạo điểm nhấn ở chất liệu” – Huy Võ nhấn mạnh.
Huy Võ sinh năm 1988, tốt nghiệp Học viện Thiết kế và Kinh doanh thời trang (Fashion Institute of Design and Merchandising) tại Los Angeles và Viện Công nghệ thời trang (Fashion Institute of Technology) tại New York. Thật ngạc nhiên khi một người trẻ tuổi như Huy lại dành cho chiếc áo dài tình yêu sâu đậm đến thế.
“Cha tôi dành cả đời cho nông nghiệp Việt. Ông yêu nông sản Việt và luôn bị thôi thúc bởi giấc mơ đưa nông sản Việt xanh, sạch lên bàn ăn. Ông không gặp thời nhưng không vì vậy mà bỏ cuộc. Tôi học được ở cha bài học ấy. Cho dù đích đến mơ hồ thì vẫn phải đi đến tận cùng con đường mình tin là đúng. Tôi cũng thiết kế đồ ứng dụng nhưng chọn trở lại với áo dài vì đây là trang phục gần gũi nhất với người Việt” – Huy trải lòng.
|
Nhà thiết kế Huy Võ |
Mong người thợ thủ công sống được với nghề
Nhiều nhà thiết kế danh tiếng của Việt Nam thừa nhận lụa Việt, gấm Việt dù đẹp nhưng rất khó sử dụng trong thời trang cao cấp vì kỹ thuật dệt không đồng đều dẫn đến chất lượng sợi, màu sắc chênh lệch. Chưa kể, cái khó còn đến từ sự co giãn, độ rút lớn của vải. Hạn chế này khiến phần lớn lụa, gấm Việt suốt thời gian dài chỉ được dùng để làm khăn, may các sản phẩm thủ công thay vì đưa vào sản xuất hàng loạt.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự chậm đổi mới của các làng nghề trong việc tiếp thu, học hỏi kỹ thuật mới. Điều này không những dẫn đến chất lượng vải làm ra không đáp ứng được yêu cầu mà còn không đủ số lượng. Thực tế, 5 năm trở về trước, hơn 90% vải lụa, gấm trên thị trường thời trang cao cấp Việt đều được nhập từ Nhật, Ý. Các thương hiệu nhỏ lẻ hơn thì nhập chủ yếu từ Trung Quốc vì giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt và đáp ứng được số lượng lớn. Huy Võ thừa nhận, để giải được bài toán này cần cả một hành trình.
“Chính sự thành công và danh tiếng của các nhà thiết kế với các sản phẩm lụa Việt đã giúp những người thợ ở các làng nghề hiểu được giá trị sản phẩm họ tạo ra. Một khi hiểu và sống được với nghề, họ sẽ bám trụ và có thêm nhiều sáng tạo” – Huy nói. Hiện tại, nhắc đến lụa Việt trong các sản phẩm thời trang cao cấp, người Việt đã có thể tự hào trước một vài cái tên như Bảo Lộc, Nha Xá… Tiềm năng này sẽ tiếp tục vươn xa và cao hơn trước chính sách khuyến khích thành lập các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của Chính phủ, nhằm dịch chuyển ngành dệt may thành ngành
thời trang.
Trở lại câu chuyện của Huy, khi anh bắt đầu với lụa, gấm, cánh cửa cũng không hề dễ dàng. “Tôi đi mải miết, không bỏ cuộc. Cánh cửa này đóng, tôi gõ cánh cửa khác. Cứ như thế, cho đến khi có nơi đồng ý dệt theo yêu cầu của tôi” – Huy nhớ lại. Thành quả của Huy chính là thuyết phục được một số làng nghề từ Nam ra Bắc dành khoảng 10 khung cửi để dệt theo yêu cầu. Số lượng khung dệt còn lại sản xuất theo nhu cầu hiện có của thị trường. Nhờ đó, các nghệ nhân sẽ có sự đối sánh, cũng như hiểu được họ cần cải tiến những gì để nắm bắt kịp nhu cầu của thị trường.
Hiện tại, mỗi tháng, Huy Võ thu mua khoảng 1.000m2 vải lụa và gấm phục vụ cho các thiết kế mang tên anh. Điều đáng mừng nhất đối với Huy Võ là các kiểu vải dệt riêng theo yêu cầu của anh đang được một số làng nghề mở rộng. “Thay vì lo lắng những thương hiệu khác sẽ sử dụng kỹ thuật lụa của mình để thiết kế, tôi lại thấy vui. Một người làm chưa được thì nhiều người cùng làm. Một khi vải được thu mua với giá cao hơn dù chỉ 20.000 đồng/mét, điều kiện của người thợ cũng sẽ được cải thiện, từ đó thu hút thêm nhiều người quan tâm đến nghề dệt, đặc biệt là người trẻ. Có vậy, làng nghề mới có thể hồi sinh”.
Vòng tròn kết nối
Huy Võ không muốn các thiết kế của anh chỉ dừng lại ở lụa, gấm mà còn cả cotton và nhiều loại sợi sinh học khác. “Giấc mơ của tôi là xây dựng một quy trình sản xuất thời trang cao cấp mà ở đó, tất cả công đoạn từ chất liệu, khâu sản xuất, thành phẩm cho đến con người đều hoàn toàn thuần Việt, bền vững, mọi người đều được thụ hưởng lợi nhuận” – anh nói.
Đây cũng là lý do con đường của Huy khá chông chênh. Nếu chỉ chọn xây dựng thương hiệu thời trang cá nhân, giờ đây có lẽ anh đã có một vị trí nhất định trong ngành. Tuy nhiên, ở thời điểm 2013, khi Huy mới trở về Việt Nam, ngành thời trang Việt vẫn đang manh nha thành hình. Trong bức tranh sáng tối đó, anh nhận ra ở các khâu đều thiếu vắng nhân sự có chuyên môn hoặc có nhưng không được biết đến. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cộng với sự tự tin, Huy đặt ra cho bản thân sứ mệnh giải bài toán khó ấy.
Vòng tuần hoàn thời trang, với Huy, chính là ở tất cả các khâu từ nhuộm, dệt cho đến định hình phong cách thời trang… đều phải có nhân lực chuyên môn để giảng dạy, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm. Nói một cách đơn giản là có sự tiếp nối và chuyển giao, kết hợp giữa kinh nghiệm của người đi trước và kiến thức của người trẻ học được từ nước ngoài. “Chỉ có đi cùng nhau như vậy mới có thể tạo nên nội lực vững mạnh để phát triển” – Huy tâm sự.
Học viện Thời trang Việt Nam (Vietnam Fashion Academy – VFA) do Huy sáng lập ra đời vào năm 2013. Điều đáng tự hào nhất là Huy đã tạo được vòng tròn kết nối như anh mơ ước. Quan trọng hơn, tháng Sáu năm nay, Huy vừa tìm được người cùng chí hướng để tiếp tục giấc mơ ấy. “Mong mỏi lớn nhất của tôi là có thể tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, gồm những người có kiến thức chuyên môn vững chắc, những làng nghề sôi động và những sản phẩm thuần Việt có giá trị cao. Chỉ như vậy mới có thể tạo nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam” – Huy chia sẻ.