Ngoài những dịch chuyển thường được truyền thông đề cập như mua sắm trực tuyến gia tăng, mua sắm kết hợp giải trí, liệu gen Z (thế hệ sinh ra vào cuối những năm 1990 đến đầu thập niên 2010) còn những yêu cầu gì khi mua sắm các mặt hàng thời trang?
|
Khác với những thế hệ trước, gen Z quan tâm đến nhiều yếu tố khi mua sắm |
Năm 2025, thế hệ Z sẽ trở thành lực lượng lao động chủ chốt trên toàn cầu. Do đó, họ cũng nắm quyền chi phối các nhu cầu, thói quen mua sắm, từ hàng thiết yếu cho đến những mặt hàng xa xỉ. Nhiều dữ liệu từ các cuộc thăm dò thị trường cho thấy khác với những thế hệ trước, gen Z quan tâm đến nhiều yếu tố khi mua sắm một món đồ, không chỉ gói gọn trong chất lượng, giá cả mà còn liên quan đến nhiều câu chuyện hậu trường của thương hiệu. Chẳng hạn như trách nhiệm của thương hiệu đối với môi trường, xã hội, gồm cả vấn đề bình đẳng giới.
Để thu hút nhóm khách hàng thế hệ mới khắt khe hơn, rất nhiều doanh nghiệp (trong đó có lĩnh vực thời trang, làm đẹp) tích cực chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cũng như chú trọng hơn đến các yếu tố bền vững (gồm cả môi trường, quản trị lao động như không bóc lột, nguyên liệu rõ nguồn gốc, minh bạch và trách nhiệm xã hội).
Đề cao tính bền vững nhưng yêu thích sự mới mẻ, không muốn tủ quần áo quá đơn điệu cũng không muốn phải tốn quá nhiều chi phí cho việc ăn mặc là những gì thế hệ Z hình dung về thời trang trong tương lai gần.
Vì thế, nếu có những rich kid (cậu ấm cô chiêu xuất thân từ gia đình rất giàu) sẵn sàng chi tiền triệu cho những món đồ xa xỉ thì đại đa số gen Z cần những giải pháp cụ thể hơn, cần nhiều hơn những nền tảng giải quyết hình dung của họ về thời trang. Chưa bao giờ ngành thời trang chứng kiến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ đến thế.
Thời trang tuần hoàn – Ngọn cờ đầu
Sinh ra trong bối cảnh xung quanh đầy mối lo ngại về khí hậu, ô nhiễm, các giải pháp thời trang bền vững được xem là sự lựa chọn hàng đầu của thế hệ Z. Đó không còn là một khái niệm chung chung mà đang dần được hiện thực hóa bởi các hãng thời trang nhanh. Chậm chân, không thay đổi đồng nghĩa với việc bị người tiêu dùng quay lưng.
|
Thương hiệu TimTay của Việt Nam chuyên tạo ra những mẫu thời trang và phụ kiện không vải thừa từ nguyên liệu bền vững |
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng các hãng thời trang ngày nay đang khuyến khích người tiêu dùng hạn chế mua mới những sản phẩm không cần thiết. Do đó, họ không ngừng nỗ lực và áp dụng hàng loạt công nghệ nhằm đo lường nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Điều này giúp họ biết chính xác người tiêu dùng đang cần gì (thích kiểu sản phẩm như thế nào, màu sắc ra sao…) để hạn chế thấp nhất sản phẩm thừa, từ đó giảm thiểu rác thải thời trang cũng như tránh lãng phí nguyên vật liệu, sức lao động… AI (trí tuệ nhân tạo) đã và đang giúp nhiều thương hiệu làm công việc này.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, từ lên ý tưởng, chọn nguyên vật liệu thô cho đến đưa vào sản xuất… đều được áp dụng theo tiêu chuẩn bền vững và công bằng. Việc chọn nguyên vật liệu từ các nguồn vật liệu mới như sợi sinh học, tảo biển, vỏ hải sản… đã đạt được nhiều thành tựu mới. Cam kết không sử dụng lao động trẻ em, có chế độ đãi ngộ thích đáng, môi trường làm việc thoải mái… là điều các hãng thời trang đang hướng đến để chiều lòng thế hệ tiêu dùng mới.
Tạm biệt những đống quần áo cũ
Xu hướng “fashion flipping” – mua bán quần áo và phụ kiện thời trang cũ – bắt đầu được ưa chuộng trong 5 năm trở lại đây. Nếu trước đó, khách mua quần áo cũ thường là người lao động có thu nhập thấp thì hiện tại, lượng khách này đa dạng, nhiều tầng lớp, kể cả người trẻ. Có đến 80% lượng quần áo đã qua sử dụng được thế hệ Z chọn mua, khoảng 20% người được khảo sát cho biết họ mua đồ cũ để tránh lãng phí và tiết kiệm.
Sự dịch chuyển này trên toàn cầu mạnh mẽ đến mức ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, xuất hiện các nền tảng chuyên mua bán, trao đổi quần áo đã qua sử dụng hay các phụ kiện thời trang như túi xách, giày dép, đồng hồ, trang sức… Các nền tảng này cũng được phân chia thành nhiều phân khúc, từ bình dân đến xa xỉ. Theo báo cáo toàn cầu do thredUP – sàn giao dịch sản phẩm thời trang đã qua sử dụng lớn nhất thế giới – thực hiện với sự phân tích của công ty nghiên cứu thị trường GlobalData, thị trường bán lại đang phát triển với tốc độ nhanh hơn 11 lần so với bán lẻ truyền thống, có giá trị 84 tỉ USD vào năm 2030.
Tại Việt Nam, có thể tìm thấy một vài nền tảng uy tín bày bán thời trang đã qua sử dụng một cách chuyên nghiệp, bài bản với nhiều ứng dụng công nghệ trong việc thử trang phục cũng như đầu tư hình ảnh, chẳng hạn Passi, SSSMarket, Piktina…
Thời trang upcyling: Sáng tạo mới trên cái cũ
|
Leinné biến những món đồ cũ thành những vật dụng nhỏ xinh, đa dạng mẫu mã và màu sắc |
Làm gì với một chiếc áo qua mùa nhưng bạn không muốn bỏ đi, chiếc váy mặc 1 lần đã vô tình dính vết bẩn không thể tẩy hay một thiết kế yêu thích giờ đây không còn vừa với cơ thể? Upcycling (tạm dịch: nâng cấp quần áo) chính là giải pháp hoàn hảo. Nhấn mạnh vào tính thẩm mỹ và sự sáng tạo, phương pháp này giúp tạo đời sống mới cho các thiết kế cũ hoặc biến vật liệu thừa thành một sản phẩm mới, độc đáo. Đừng cho rằng chỉ những nhà mốt nhỏ mới áp dụng phương pháp này. Balenciaga, Coach hay Miu Miu… đã dấn thân và cho thấy sức sáng tạo khi “hô biến” sản phẩm qua mùa thành sản phẩm mới.
Không dừng lại ở đó, các nhà mốt, kể cả Chanel cũng đang tận dụng tối đa nguyên vật liệu thừa trong quá trình sản xuất hoặc thiết kế sân khấu trình diễn để tiếp tục tạo ra những thiết kế mới. Nhiều nhà mốt thậm chí đã ứng dụng công nghệ để hạn chế thấp nhất nguyên vật liệu thừa trong quá trình may đo.
Tại Việt Nam, TimTay, Leinné hay Tom Trandt là những thương hiệu dẫn đầu xu hướng này. Nếu TimTay tạo ra những thiết kế không vải thừa từ nguyên liệu bền vững thì Leinné đã biến những món đồ cũ thành những vật dụng nhỏ xinh, đa dạng mẫu mã và màu sắc trong khi Tom Trandt tích cực cải tạo đồ qua mùa thành sản phẩm mới, đậm hơi thở cá nhân – điều gen Z hướng đến.
Thời trang cho thuê: Tại sao không?
Giải pháp cho thuê quần áo qua các nền tảng trực tuyến bắt đầu xuất hiện từ hơn 10 năm trước, phát triển mạnh mẽ trong và sau giai đoạn dịch COVID-19. Năm 2019, ngành công nghiệp cho thuê quần áo trực tuyến được định giá 1,2 tỉ USD trên toàn cầu và dự kiến tăng lên 2,8 tỉ USD vào năm 2027. Các đại diện tiêu biểu ở mảng này là Rent The Runway (Mỹ), My Wardrobe HQ (Anh), GlamCorner (Úc), Style Theory (Singapore)…
Mô hình cho thuê quần áo giờ đây đã lấn sân sang trang phục thường ngày thay vì chỉ dừng lại ở trang phục cưới hoặc những dịp đặc biệt.
Bạn cũng không cần phải lặn lội đến cửa hàng. Với sự hỗ trợ của AI và công nghệ cảm ứng, bạn chỉ cần cung cấp số đo chiều cao, cân nặng và một lần quét là có thể ngay lập tức biết trang phục nào vừa với số đo cơ thể. Chỉ cần trả một khoản phí cố định, bạn có thể chọn cùng lúc 4-5 bộ trang phục yêu thích và chúng sẽ được gửi về tận nhà. Điều này đồng nghĩa tủ quần áo của bạn sẽ tránh được tình trạng quá tải nhưng bạn vẫn có thể diện trang phục mới liên tục mà không cần quan tâm đến việc giặt ủi… Đó là chưa kể bạn có thể tận dụng quần áo không sử dụng nữa hoặc ít dùng đến để cho thuê.
Ý tưởng này đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở người tiêu dùng thế hệ Z. Họ rất quan tâm đến chủ nghĩa tiêu dùng bền vững, môi trường và sẵn sàng thực hiện những sự thay đổi để giúp ích cho hành tinh.
Nhã Ca
Ảnh: Internet