Theo đó, Bò Kho Gánh (Q.10) là quán ăn duy nhất bán món bò kho được Michelin Guide gọi tên trong danh sách Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng) ở TP.HCM năm nay.
"Vui đến mất ngủ!"
Tôi ghé quán bò kho của chị Nguyên và anh Đỗ Hoàng Anh Duy, nằm bình yên ở một chung cư mặt tiền đường Ngô Gia Tự. Quán ăn đều đặn khách ra vào, anh chị chủ thì dễ mến, niềm nở đón tiếp.
Chị Nguyên cho biết ngay khi vừa biết tin quán ăn của mình được Michelin gọi tên, nhận được vô vàn lời chúc từ người thân, thực khách, chị đã vỡ hòa hạnh phúc. Tới mức, chị không ngủ được. Bởi, cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực và cố gắng, anh chị đã gặt hái được "trái ngọt".
Trước đó, chị Nguyên dành 6 năm bán món chè truyền thống của gia đình, nối nghiệp từ mẹ nhưng việc làm ăn không thuận lợi. 7 năm trước, chị quyết định mở bán món bò kho này, khi hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
"Nhà tôi có 5 anh chị em, các anh chị em còn lại đều học cao, tôi thì lớp 12 nghỉ học. Tôi bôn ba làm nhiều nghề nhưng cũng chật vật. Bán chè nối nghiệp mẹ không thành công, tôi mới quyết định bán bò kho. Phần vì thích vị bò kho mẹ nấu, với công thức nấu riêng được ông ngoại truyền lại, phần vì tôi cũng muốn kiếm tiền mưu sinh", chị chủ nhớ lại.
Quang gánh ở quán chị Nguyên có ý nghĩa đặc biệt với chị
CAO AN BIÊN/NVCC
Những ngày đầu mở bán, đó chỉ là một quán bò kho nhỏ, mỗi ngày bán 2 - 3 kg thịt. Thời điểm đó, mỗi phần chị bán ra giá 25.000 đồng, thu hút khách bình dân, nhiều người bán vé số, lao động nghèo tới ăn.
Từ công thức bò kho được truyền lại, chị chủ gia giảm, thay đổi để phù hợp hơn với đại đa số thực khách và rồi có được hương vị dần hoàn thiện. Bò kho ngon, tiếng lành đồn xa, quán ăn nhỏ của chị ngày càng đông khách. Chị Nguyên cảm thấy mình có duyên buôn bán với món ăn này.
Với sự hỗ trợ của cha mẹ, của anh Duy và người thân, việc buôn bán của chị Nguyên ngày càng phát triển để có được quán ăn khang trang như hôm nay. Giờ đây, chị hạnh phúc khi có một quán ăn đông khách cũng như có được sự ghi nhận của chuyên gia, thực khách.
Vì sao là Bò Kho Gánh?
Phía trước quán ăn của chị Nguyên, là quang gánh bằng tre cũ kỹ nhuốm màu thời gian. Chị nói rằng đó là đôi quang gánh của bà ngoại chị được gìn giữ cẩn thận, lúc nào cũng được đặt ở trước quán như sự tưởng nhớ, biết ơn của con cháu trong nhà với ông bà ngày xưa buôn gánh bán bưng để nuôi gia đình. Cái tên Bò Kho Gánh cũng xuất phát từ đó.
Không gian của quán có phần hoài cổ, được trang trí theo ý đồ của chị chủ. Chị mong muốn thực khách đến ăn được sống lại ký ức tuổi thơ, nhớ về TP.HCM những ngày xưa cũ.
Anh Nhật (26 tuổi, ngụ Q.5), một vị khách từng ghé quán ăn này cho biết anh không chỉ ấn tượng với quang gánh mà còn thích những chi tiết nhỏ ở quán. Đó là tấm bảng hiệu, menu trước quán được vẽ bằng phấn đến những chiếc bàn gỗ, những cái chén, ly nước gợi nhớ về những ký ức cũ.
Bò kho ở quán được nấu theo công thức riêng
NVCC
"Bò kho ăn vừa miệng, thịt bò mềm, thơm cùng nước bò kho được nấu không quá đậm vị khiến mình cảm thấy dễ chịu. Thích nhất là được ngồi ở quán vào buổi tối, mát mẻ nhìn ra đường phố", vị khách nhận xét.
Theo chủ quán, có 30% khách đến ăn là người nước ngoài. Mỗi phần ăn có giá dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Chị Nguyên hào hứng kể, có những vị khách cả 7 ngày đều ăn 7 ngày ở quán, cũng có những người nước ngoài sống và làm việc gần đây đều đặn ghé ăn vì thích hương vị bò kho.
Chị chủ cho biết bí quyết của món ăn nằm ở việc xử lý nguyên liệu, cách ướp thịt bò. Theo chị Nguyên, bò kho là một món ăn không dễ nấu, chế biến khá cầu kỳ qua nhiều khâu. Chỉ cần 1 khâu không đạt chất lượng cũng sẽ khiến món ăn trở nên không hoàn hảo. “Bò kho ở quán được nấu với 8 vị thuốc bắc, hương vị hài hòa, ít dầu mỡ", chị bày tỏ.
Giá các món ăn dao động từ 50.000 đồng - 100.000 đồng
CAO AN BIÊN
Ngày ngày, chị Nguyên vẫn miệt mài mang tới những phần ăn tâm huyết cho thực khách trong và ngoài nước. Chị chủ biết ơn những vị khách đầu tiên đến những khách ruột sau này, bởi chính nhờ sự ủng hộ đó mà quán có được hôm nay…