Chủ quán là “tín đồ” của phở
Một ngày, có người bạn giới thiệu với tôi quán phở tự làm bánh thủ công ở đường Trần Quốc Toản (Q.3, TP.HCM). Tôi hứng thú tìm đến và trò chuyện với chủ quán – ông Lê Văn Trường (48 tuổi).
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào quán rộng chừng 300m2 là khá thoáng mát và sạch sẽ. 9 giờ sáng, khách ra vào đông. Người gọi tô thường, người dùng phở thố đá. Bên trong, nhân viên tất bật, người tráng bánh phở, người thái sợi đều tăm tắp. Không khí khá nhộn nhịp.
Ông Trường chia sẻ, ông từ Phú Thọ vào TP.HCM sinh sống hơn 20 năm. Ông thích ăn phở, tự nhận bản thân là “tín đồ” của phở. Thời trước, gia đình ông thỉnh thoảng nấu phở, tráng bánh phở bằng tay như làm bánh cuốn.
“Tôi tự tìm hiểu cách làm bánh phở để kiểm tra chất lượng, làm theo cách thủ công. Các công đoạn như chọn gạo, xay gạo, tráng bánh đều được làm theo cách truyền thống”, ông Trường cho biết.
Quán ông Trường có tên là Phở Việt Nam. “Vì sao quán có tên như vậy?”, tôi hỏi. “Tôi muốn nhắm tới tất cả khách hàng từ khắp mọi miền. Trên bàn, tôi sử dụng gia vị đầy đủ các vùng miền. Người Bắc có thể ăn tương ớt, người Nam dùng tương đen, tỏi còn người miền Trung có hũ hành, giấm. Quán có hương vị đặc trưng vùng miền, khách muốn ăn theo khẩu vị ra sao sẽ tự chọn”, chủ quán giải thích.
Quán phở này mở từ 6 giờ – 22 giờ. Một trong những món đặc biệt ở quán là phở thố đá. “Dù mưa hay nắng phở vẫn phải ăn nóng. Tôi dùng thố đá hoặc gốm Bát Tràng đựng phở để giữ nhiệt lâu. Khi trực tiếp đốt thố, nhiệt độ phía trong khoảng hơn 200oC. Mỗi phần có bánh phở, bắp bò, sườn bò, nạm bò, đuôi bò… khách ăn chín kỹ thì để lâu, thưởng thức theo cách riêng của khách”, ông Trường nói.
Khách được trải nghiệm làm bánh phở
Khi đến với quán Phở Việt Nam, khách được chứng kiến quy trình làm bánh phở. Từ khâu tráng, phơi, thái bánh đều được nhân viên làm trực tiếp tại quán. Khách có nhu cầu tự làm thử đều được chủ quán, nhân viên vui vẻ tiếp đón.
“Nhiều nơi mua sẵn bánh phở ở ngoài hoặc tráng bằng máy nhưng tôi vẫn cứ tráng theo cách truyền thống. Công đoạn này vất vả nhưng kiểm soát được chất lượng từ lúc khâu chọn gạo. Bánh phở được làm 100% từ bột gạo, không có phụ gia, chất bảo quản. Tôi làm theo cách này cũng để khách biết quy trình làm phở như thế nào. Người ta tráng bằng máy có thể làm được vài tạ một giờ nhưng tráng tay chỉ được khoảng 10 – 20kg gạo”, ông nói.
Tôi ăn thử một phần phở thố ở quán. Sợi phở dai mềm, thơm mùi gạo, nước phở nóng, ngọt ăn kèm với các phần thịt bò mềm, ngon. Tất cả hòa quyện vào nhau kích thích vị giác của thực khách.
“Hơn 6 năm mở quán, tôi vui mừng khi được khách ủng hộ. Có những khách sáng nào cũng đến ăn, khách nước ngoài tò mò trải nghiệm làm bánh phở, tự vào bếp thái bánh phở. Dù vất vả nhưng được thực khách tin dùng, tôi và nhân viên luôn cố gắng hết mình để họ hài lòng”, ông chủ bộc bạch.
Chị Đặng Thùy Trang (25 tuổi, ở Q.3) cho biết, phở ở đây ngon, sợi phở mềm. “Tôi từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống và làm việc. Món phở là món ăn tôi ăn thường xuyên. Trực tiếp thấy nhân viên tự tráng bánh phở, tôi thấy yên tâm nên quay lại quán mỗi khi tiện đường hoặc thèm ăn phở”.