Nằm ở xã Gia Phương (Ninh Bình), đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là điểm du lịch tâm linh, nơi du khách được chiêm ngưỡng những dấu vết của Cố đô Hoa Lư xưa.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt và chọn Hoa Lư là trung tâm chính trị - kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền.
Cố đô Hoa Lư uy nghi, trầm mặc giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất Ninh Bình đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và đầu nhà Lý (1009-1010).
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, nhiều di tích lịch sử của Cố đô Hoa Lư vẫn được bảo tồn và gìn giữ đến tận ngày nay. Điển hình là đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng - công trình có giá trị văn hóa lịch sử rất quan trọng với dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh chính điện Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.
Nằm trên khuôn viên rộng khoảng gần 3.000m2, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng kiến trúc theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh”.
Đến thờ vua Đinh Tiên Hoàng gồm các công trình uy nghi như ngọ môn quan, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội, cùng ba tòa bái đường, thiêu hương và hậu cung.
Những nét chạm khắc tinh tế.
Trước gian giữa của bái đường ngay trên sân rồng là sập long sàng được làm từ đá xanh nguyên khối kết hợp với nghệ thuật chạm khắc tinh tế. Đặc biệt, mặt long sàng thể hiện một hình tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử điêu khắc Việt Nam, đó là hình tượng rồng mang bàn tay phụ nữ. Cặp long sàng trước ngọ môn quan và ở sân rồng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình là nơi duy nhất gọi đúng tên húy của nhà vua.
Từ sân rồng bước lên là bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh. Đi hết tòa thiêu hương là chính cung 5 gian. Tại đây có long cung và tượng vua Đinh, hai bên có nhang án, long ngai chầu vào, phía trái thờ Nguyễn Bặc, phía phải thờ Đinh Điền.
Pho tượng vua Đinh Tiên Hoàng là một pho tượng có kích thước khá lớn cao 2m và được tạc bằng lõi thân gỗ mít lưu niên, màu sắc vàng ươm, trong tư thế ngồi trên ngai theo kiểu thiết triều, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long bào, hai tay để lên hai đùi, dưới chân để một thanh kiếm.
Hình con rồng được chạm khắc tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo ông Đào Văn Duy, thủ từ Đền vua Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Hàng năm, cứ vào dịp lễ hội Vua Đinh Tiên Hoàng ở cố đô Hoa Lư ngày mùng 9 và 10 tháng ba âm lịch hàng năm, tất cả các di tích lịch sử thờ Vua quan, tướng lĩnh thời Đinh cùng tham gia lễ rước kiệu và chân nhang các danh nhân lịch sử về cố đô Hoa Lư.
Người dân thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn cũng mở lễ hội đền để tưởng nhớ và lưu truyền về công lao to lớn của vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc, người đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam”.
Ông Đào Văn Duy, thủ từ đền vua Đinh Tiên Hoàng.
Bộ kiệu có thời gian hàng trăm năm tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã được cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Đền thờ Vua Vua Đinh Tiên Hoàng là công trình kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ nhân dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17-19. Đây cũng chính là biểu tượng cho sự tôn kính, biết ơn của nhân dân đối với vị vua có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...