Thời điểm này, miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là trẻ em.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 trẻ mắc. Trong đó có những trường hợp biểu hiện nặng, có biến chứng được chỉ định nhập viện.
Một bé trai 14 tháng tuổi được chuyển vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng viêm phổi sau 2 tuần điều trị cúm A tại bệnh viện tỉnh nhưng vẫn sốt cao. Xét nghiệm còn cho kết quả bội nhiễm cả vi khuẩn phế cầu. Trẻ nhỏ chưa đi học phần lớn lây từ người thân.
Còn một bé 8 tháng tuổi, vốn bị thuyên tắc động mạch phổi bẩm sinh nên khi nhiễm cúm, bệnh càng tăng nặng, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Đây là tình trạng phổ biến với những trẻ có bệnh nền.
Phần lớn trẻ đang điều trị cúm tại đây bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.
Dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường như năm 2022, nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Cúm có thể gây ra tổn thương viêm phổi nặng, hoặc bội nhiễm các loại vi khuẩn khác làm nặng thêm tình trạng của cúm. Ngoài ra còn có bệnh nhân viêm màng não", Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết.
Dấu hiệu cảnh báo lúc đầu của cúm là sốt, nhức đầu, đau người, chảy nước mũi, ho, hắt hơi.. Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.
Dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường như năm 2022, nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng; tốt nhất là tiêm vaccine phòng cúm mùa mỗi năm một lần khi sức khỏe bình thường.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...