Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân trên địa bàn không được ăn các loại côn trùng lạ, tránh trường hợp bị ngộ độc, ngộ độc nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Trước đó, ngày 7/8 có một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân yếu, nước tiểu màu đỏ; sau đó bệnh nhân đã suy gan, suy thận và tử vong do ăn sâu ban miêu.
Nạn nhân là anh Đ.S., 27 tuổi, trú tại xã An Thành, huyện Đak Pơ, Gia Lai. Theo người nhà anh S., trưa 6/8 anh S. đã ăn 10 con sâu ban miêu. Khoảng 30 phút sau, anh có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Ngay sau đó, gia đình đưa anh đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Pơ và được chuyển lên Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Người nhà nạn nhân đã giữ lại một con sâu để mang theo. Con sâu có hình dáng, màu sắc giống như sâu ban miêu. Qua thăm khám, bác sĩ xác định anh S. bị ngộ độc sâu ban miêu nặng dẫn đến suy thận, suy gan, nguy cơ tử vong cao và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện. Tuy nhiên, anh S. không qua khỏi.
Theo bác sĩ Dương Thái Thuấn, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, sâu ban miêu là loại côn trùng có hình giống bọ xít, độc tính rất cao, chứa chất độc Cantharidin, đặc biệt nguy hiểm tính mạng khi tiếp xúc qua đường tiêu hóa. Trên cả nước ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc nặng do ăn côn trùng này.
Sâu ban miêu có tên khoa học Cantharis vesicatoria, còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao; dài khoảng 15-20 mm, ngang 4-6 mm. Phía trên hai cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Ngành Y tế cảnh báo người dân tuyệt đối không ăn sâu ban miêu. Nếu tiếp xúc với con vật và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, cần rửa bằng nước sạch, chớp mắt liên tục, sau đó đến bệnh viện điều trị ngay.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...