Tham vọng nhập khẩu nước biển 5 tỷ USD

00:00 - 14/06/2023

Chính quyền bang Arizona (Mỹ) đang xem xét dự án xây dựng nhà máy lọc nước biển và đường ống dẫn nước từ bờ biển Mexico để cung cấp nước ngọt cho bang, vốn thiếu hụt do hạn hán

Tham vọng nhập khẩu nước biển 5 tỷ USD

Bờ biển Puerto Peñasco, Mexico, điểm đầu của dự án dẫn nước từ vịnh California tới bang Arizona (Mỹ). Một số ý kiến lo ngại dự án có thể tác động tiêu cực tới ngành ngư nghiệp địa phương. Ảnh: New York Times.

Khi sông Colorado và các mạch nước ngầm – hai nguồn cung cấp nước chính cho Arizona – đều dần cạn kiệt do hạn hán, biến đổi khí hậu và sử dụng quá mức, giới chức địa phương buộc phải tính đến kế hoạch “chế biến” nước biển thành nước ngọt từ Mexico rồi dẫn về bang này.

Một bản kế hoạch trị giá 5 tỷ USD đang được xem xét một cách nghiêm túc. Giới chức bang đang suy nghĩ liệu có nên dành ra số tiền ban đầu 750 triệu USD cho dự án hay không. Thống đốc bang Katie Hobbs vẫn chưa chính thức ủng hộ.

Ngoài chi phí lớn (nước từ dự án sẽ đắt gấp khoảng 10 lần nước từ sông Colorado), công trình này còn có nguy cơ gây ra tác động về môi trường: Nước mặn sau khi lọc sẽ được xả ra một trong những khu vực đánh cá quan trọng nhất của Mexico, trong khi đường dẫn nước phải chảy qua các khu bảo tồn thiên nhiên.

Nguy cơ tiềm tàng

Các nhà máy khử mặn là điều không quá hiếm gặp ở các bang ven biển của Mỹ như California, Texas và Florida, cũng như nhiều quốc gia khác. Hơn 60% nguồn nước ngọt của Israel đến từ Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, dự án tại Arizona tương đối đặc biệt vì bang này không giáp biển. Do đó, nước sẽ phải di chuyển hàng trăm km tới nơi có độ cao vài trăm mét so với mặt biển.

“Chúng ta sống trong một thế giới có trọng lực”, bà Meagan Mauter, chuyên gia về khử muối trong nước biển tại Đại học Stanford, nói. “Nếu bạn cần chuyển nước đi, chi phí cố định sẽ tương đối lớn”.

Đây không phải công trình dẫn nước quy mô lớn đầu tiên mà bang Arizona xây dựng. Một trong những nguyên nhân giúp Arizona có thể phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ qua là dự án dẫn nước dài hơn 500 km, trị giá 4 tỷ USD đưa nước từ sông Colorado tới các thành phố Phoenix và Tucson.

 
Tham vọng nhập khẩu nước biển 5 tỷ USD
Dự án dẫn nước từ Mexico tới Arizona. Đồ họa: New York Times.

Nếu không có nước, Arizona khó lòng phát triển. Giới chức bang hôm 1/6 cho biết Phoenix và vùng phụ cận – một trong những vùng đô thị phát triển nhanh nhất nước Mỹ – thậm chí không có đủ nước ngầm để phục vụ tất cả công trình xây dựng đã được cấp phép.

Tuy vậy, bản thân thành phố biển Puerto Peñasco của Mexico – điểm đầu của dự án dẫn nước – cũng đang gặp thách thức trong việc cung cấp nước ngọt cho người dân.

Với một số người, Puerto Peñasco, điểm đến yêu thích của người Arizona trong mỗi kỳ nghỉ, thể hiện chính tương lai của Arizona: Do thiếu nước mặt, thành phố phải dựa vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, khi dân số tăng, nước ngầm là không đủ. Mỗi khi du khách tràn đến vào mùa hè, cư dân địa phương phải tìm mọi cách tích trữ nước.

IDE Technologies, công ty Israel đứng đằng sau dự án, cho biết họ sẽ cung cấp một phần nước cho Puerto Peñasco – nhưng chưa tiết lộ lượng nước và giá thành cụ thể.

Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá Puerto Peñasco có thực sự hưởng lợi từ dự án hay không. Cứ mỗi một khối nước biển, nhà máy sẽ sản xuất được nửa khối nước ngọt và xả ra nửa khối nước thải – vốn có hàm lượng muối cao gấp đôi so với nguyên liệu gốc – ra biển.

Thông thường, lượng nước này sẽ hòa nhanh vào đại dương. Tuy vậy, Puerto Peñasco nằm ở cuối vịnh California, vốn dài và nông, nên muối khó có thể thoát ra nhanh chóng.

Hàm lượng muối cao có thể ảnh hưởng đến các loài sinh vật phù du, qua đó ảnh hưởng đến quần thể những loài cá lớn hơn.

Tham vọng nhập khẩu nước biển 5 tỷ USD
Cư dân Arizona tăng nhanh chóng trong những năm qua, gây áp lực lên hệ thống cấp nước. Ảnh: New York Times.

“Tác động đến ngành ngư nghiệp sẽ rất lớn. Nước sẽ chảy về Mỹ nhưng tác động môi trường ở lại Mexico”, bà Nélida Barajas Acosta, người đứng đầu một tổ chức môi trường địa phương, nói. Hơn một nửa lượng cá của Mexico được đánh bắt ở vịnh California.

Trong khi đó, ông Erez Hoter-Ishay, Giám đốc dự án của IDE, cho rằng nước muối thải sẽ không tác động tới hệ sinh vật biển, thậm chí còn có lợi. “Chúng tôi nhận thấy rằng hệ sinh vật phát triển tốt gần các cơ sở lọc nước muối khác”, ông nói.

Chưa rõ giới chức Mexico có ủng hộ dự án hay không. Thống đốc bang Sonora Alfonso Durazo đã lên tiếng phản đối, nhưng thẩm quyền thuộc về chính quyền trung ương. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador hồi tháng 1 cho biết ông sẵn sàng xem xét dự án.

Có đáng đánh đổi?

Tác động về môi trường không chỉ dừng lại ở Mexico mà còn xảy ra ngay trên đất Mỹ.

Khu vực giữa Puerto Peñasco và Phoenix là một trong những nơi có hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất Arizona, bao gồm khu bảo tồn Organ Pipe Cactus – khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Đường ống dẫn nước ngọt sẽ phải cắt qua khu bảo tồn này.

Không chỉ có vậy. IDE dự định xây một trong những nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất nước Mỹ gần Phoenix và đường dây tải điện tới Mexico để phục vụ nhà máy. Đường dây tải điện sẽ cần hành lang an toàn rộng gần 50 m. (Trong khi đó, đường ống nước cũng cần hành lang rộng hơn 50 m).

IDE muốn Arizona ký hợp đồng mua nước từ dự án với thời hạn 100 năm. Tuy vậy, lá đơn xin xây dựng các công trình này của IDE vẫn đang được giới chức Mỹ xem xét.

Ngoài ý nghĩa sinh thái, vùng đất trên cũng có ý nghĩa tinh thần đối với tộc người Tohono O’odham bản địa.

Tham vọng nhập khẩu nước biển 5 tỷ USD
Dự án sẽ chạy qua khu bảo tồn Organ Pipe Cactus – khu dự trữ sinh quyển của UNESCO. Ảnh: New York Times.

Bà Lorraine Eiler, một cư dân địa phương, cho biết người O’odham tin rằng mỗi cây xương rồng Saguaro ẩn chứa một linh hồn con người. Vô số cây xương rồng sẽ bị dự án chặt bỏ.

“Chặt một cây giống như việc tự đánh đổ chính mình vậy”, bà nói.

“Một công ty tư nhân nước ngoài đến và xây đường ống nối hai quốc gia xuyên qua hai khu bảo tồn UNESCO, nơi tràn ngập các loài sinh vật nguy cấp. Đây dường như không phải ý tưởng hay”, ông Miché Lozano, cựu giám đốc chương trình của Hiệp hội Bảo tồn Vườn quốc gia Mỹ (NPCA), nhận định.

Các nhà vận động môi trường cho rằng thay vì “nhập khẩu” nước” từ quốc gia khác, Arizona nên tiết kiệm nguồn nước ít ỏi bằng cách giảm số lượng bãi cỏ, bể bơi, thậm chí là nhà ở.

“Điều Arizona thực sự cần làm là tiết kiệm nước mạnh mẽ hơn”, ông Lozano nói. “Đường ống chỉ là một ý tưởng lớn và ngu ngốc”.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...