Số lượng xe máy tại Việt Nam đang tăng nhanh, kéo theo thách thức về an toàn giao thông, đòi hỏi các giải pháp quản lý và giáo dục hiệu quả.
Tại Việt Nam, xe máy đóng vai trò chủ yếu trong việc đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng ngày của người dân. Hiện số lượng xe máy đang tăng trưởng nhanh chóng.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong 9 tháng đầu năm 2024, các thành viên của hiệp hội đã tiêu thụ gần 1,89 triệu chiếc.
Còn theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện cả nước có 77 triệu xe máy đăng ký, tỷ lệ sở hữu xe máy tại Việt Nam lên tới 770 xe trên 1.000 dân, đứng trong nhóm cao nhất thế giới. Nếu năm 2014 cả nước mới có 39 triệu xe máy các loại đăng ký lưu hành thì sau 10 năm, con số này đã tăng gấp đôi.
Xe máy, với tính cơ động, chi phí vận hành thấp và khả năng tiếp cận dễ dàng, đặc biệt phù hợp với tình trạng giao thông phức tạp và quy hoạch đô thị hạn chế của các thành phố lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính sự gia tăng mạnh mẽ này đã tạo ra thách thức lớn về an toàn giao thông.
Tăng cường quản lý xe máy
Xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ tai nạn giao thông. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, để giải quyết tình trạng này, một số biện pháp cần được thực hiện ngay lập tức.
Cần nâng cao kỹ năng lái xe cho thanh thiếu niên. Thanh thiếu niên, đặc biệt là nhóm từ 16-18 tuổi, sử dụng xe máy dưới 50cc, thường thiếu kỹ năng lái và nhận thức về an toàn giao thông. Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cần tập trung vào việc nâng cao kiến thức và kỹ năng lái xe cho đối tượng này. Việc đào tạo kỹ năng lái xe vững vàng, cùng với việc tăng cường giáo dục về luật giao thông, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn đối với nhóm người này.
Cần cải thiện chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe. Vi phạm các lỗi cơ bản như không nhường đường, chuyển hướng thiếu quan sát vẫn còn phổ biến. Các cơ sở đào tạo cần nâng cao chương trình giảng dạy và bài kiểm tra để đảm bảo người lái xe được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, từ đó hạn chế tai nạn do sự thiếu hiểu biết về luật giao thông.
Cần tiêu chuẩn thiết kế và làn đường riêng cho xe máy. Đây có thể coi là một biện pháp dài hạn bởi việc này sẽ giúp giảm thiểu va chạm với các phương tiện khác và tạo ra một môi trường giao thông an toàn hơn. Nếu quản lý tốt, việc này có thể làm giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là với những người đi xe máy.
Cần quy định chặt chẽ hơn việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Hiện tại, chưa có quy định xử phạt đối với trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Điều này dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông có liên quan đến trẻ em do thiếu sự bảo vệ cần thiết. Cần bổ sung quy định pháp lý rõ ràng về mũ bảo hiểm cho trẻ em, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn riêng cho mũ bảo hiểm dành cho nhóm tuổi này.
Có thể nói, an toàn giao thông là một thách thức toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới xe máy, việc kết hợp các giải pháp quy định pháp lý, cải thiện giáo dục và ý thức cộng đồng là rất quan trọng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...