Đường sắt đô thị sẽ giúp Hà Nội hết tắc đường?

11:22 - 22/06/2024

Ngày 20.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại

Là người tham gia quá trình xây dựng quy hoạch, đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng phải tập trung giải quyết nút thắt lớn nhất của Hà Nội hiện nay là ùn tắc giao thông. Ông Cường kỳ vọng việc xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như đề án vạch ra sẽ có thể thay thế các phương tiện cá nhân, giải quyết được ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Đường sắt đô thị sẽ giúp Hà Nội hết tắc đường?

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)

ảnh: Đậu Tiến Đạt

Theo ông, khi đã có hệ thống đường sắt đô thị, các khu vực chung cư cũ, khu nhà dân thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn có thể dồn lại xây các nhà cao tầng mới, khu đô thị hiện đại. Không gian ngầm bên dưới phát triển thành khu thương mại, dịch vụ, còn trên mặt đất trở thành không gian trống để trồng cây xanh, khu vực công cộng. Hệ thống đường sắt này còn giúp giãn các hoạt động kinh tế tập trung ở nội đô ra những vùng đô thị mới; kết nối các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Đường sắt đô thị sẽ giúp Hà Nội hết tắc đường?

ĐB Hoàng Văn Cường

GIA HÂN

"Đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại chứ không thể tồn tại như những khu chung cư cũ, những khu nhà phố chật chội hiện nay. Nếu chúng ta có đường sắt rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị", ĐB Hoàng Văn Cường nói.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị quy hoạch lại TP.Hà Nội phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ, đồng thời đề xuất phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội, việc này phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao. "Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống, để lại tình trạng đến bây giờ rất khó để xử lý, sửa chữa. Nhân đợt này chúng ta hạn chế dần, không có mới và quy hoạch lại để thay đổi", ông Trí nói.

Cần khoảng 40 tỉ USD

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện các quy hoạch. Dẫn câu chuyện phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị mà ĐB Hoàng Văn Cường đề cập, ông Dũng cho biết để làm một dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội cần 12 - 15 năm. Nếu xây dựng 14 tuyến đường sắt như đề án đặt ra mà không có cơ chế để huy động nguồn lực cũng như cơ chế thực hiện thì "đến bao giờ mới xong".

Đường sắt đô thị sẽ giúp Hà Nội hết tắc đường?

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

GIA HÂN

Theo ông Dũng, 14 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến xây dựng cần khoảng 40 tỉ USD, nhưng kế hoạch đặt ra là thực hiện trong hơn 10 năm, từ nay đến 2035. "Vậy cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện như thế nào để chúng ta làm được điều này? Nếu không thì quy hoạch này chỉ là định hướng về tương lai, là kỳ vọng chúng ta mong muốn, chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được", ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng đây là vấn đề lớn, khó. Ông nêu rõ, sau khi được Quốc hội phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng kế hoạch để thực hiện một cách khả thi nhất. 

Chiều cùng ngày, các ĐB thảo luận tại tổ về dự án luật Địa chất và khoáng sản. Thống nhất nhiều nội dung Chính phủ trình, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, với 65 nội dung giao Chính phủ và QH quy định chi tiết, Bộ TN-MT nên khẩn trương xây dựng đầy đủ chứ không đợi đến khi QH thông qua. Bên cạnh đó, dự luật sẽ phát sinh 23 nhóm thủ tục hành chính, liên quan đến các cơ quan nhà nước với nhau và giữa chính quyền và người dân. "Đề nghị rà soát để cố gắng cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính", ông Tùng nói.

ĐB Tùng đề nghị cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh với hoạt động khoáng sản. Lý do, theo dự luật, hoạt động khoáng sản gồm thăm dò, khai thác (trong đó có chế biến gắn với đầu tư dự án khoáng sản), nhưng hiện nay có khá nhiều luật chuyên ngành như luật Hóa chất, luật Tài nguyên nước… điều chỉnh các quy hoạch khác nhau, điều chỉnh từng loại khoáng sản. Xử lý mối quan hệ giữa dự án chung về khoáng sản với các luật chuyên ngành, trong mối liên quan chế biến khoáng sản, không gây chồng chéo vướng mắc khó khăn, tăng thêm chi phí tuân thủ và quy trình thủ tục cho doanh nghiệp.

ĐB Tùng cũng cho rằng dự luật chưa thống nhất một số nội dung với các luật liên quan. Đơn cử, dự luật quy định tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có thể có văn bản đề nghị hủy kết quả trúng đấu giá tài sản. Nhưng luật Đấu giá tài sản quy định rất chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng "cứ thích là kiến nghị hủy là không được".

Thông tin, giải trình thêm với các ĐB, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết nhiều ý kiến muốn đưa cả chế biến vào. Nhưng ví dụ vật liệu xây dựng, đá ốp lát, bao nhiêu cơ sở lấy khoáng sản đó đưa đi chế biến, thì được điều chỉnh bởi luật khác. Nhiều khoáng sản yêu cầu phải chế biến tinh, nhưng hoạt động chế biến ngoài phạm vi của luật, chế biến khép kín…

"Về quy hoạch, mấy tỉnh đang "kêu" về quy hoạch khoáng sản như Lâm Đồng, Đắk Nông, trữ lượng như thế nhưng phân bổ như thế nào, quy trình ra sao, luật này sẽ lập quy hoạch", ông Khánh nêu.

Ngoài ra, theo ông Khánh, thực tế một số mỏ không quản lý được nên khai thác ra ngoài ranh giới, quá công suất. Trách nhiệm của đơn vị nhà nước phải tăng cường giám sát. Sắp tới trong dự luật quy định các mỏ phải lập camera kết nối và quan trắc, chủ mỏ không thể cắt camera, để quản lý chặt chẽ hơn.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...