Phương án được đưa ra bằng cách khoan nhiều mũi từ trên sườn núi để đổ bê tông vào nóc hầm. Dự kiến sẽ khoan 9 mũi, sau đó sẽ dùng máy bơm bê tông vào.
Theo ông Vinh, phương án này sẽ đảm bảo độ chắc chắn của nóc hầm nhưng cần khối lượng lớn bê tông và sẽ tốn công sức, thời gian hơn nên chưa thể xác định thời gian thông hầm, sớm nhất có thể đến hết tuần này.
Phía bên trong hầm, mũi thi công khác vẫn đang tiếp tục gia cố nóc hầm bằng khung thép. Các công nhân cho biết, từ khi cấm xe qua đường bộ trên đèo Cả, lượng đất đá sạt lở đã giảm đi nhiều.
Theo ông Vinh, hiện lực lượng thi công có trên 200 công nhân cùng nhiều phương tiện máy móc, kỹ thuật đang khẩn trương chạy đua với thời gian để cố gắng khắc phục xong sự cố, thông hầm trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, cho biết đến nay đơn vị đã chuyển tải được hơn 10.000 hành khách giữa ga Tuy Hòa (Phú Yên) với ga Giã (Khánh Hòa) và ngược lại.
"Việc trung chuyển làm tăng thời gian toàn tuyến lên khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, hành khách cũng thông cảm với ngành đường sắt vì đây là sự cố ngoài ý muốn”, ông Tùng cho hay.
Theo ông Tùng, riêng các tàu hàng hiện đã ngừng hoạt động cho đến khi hầm Bãi Gió được thông. Đối với các hàng đông lạnh, dễ hỏng sẽ được vận chuyển bằng ô tô hoặc xe chở container, chi phí vận chuyển sẽ do ngành đường sắt chịu.
Hầm đường sắt Bãi Gió được người Pháp xây năm 1930, hoàn thành năm 1936, xuyên qua đèo Cả giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Hầm dài gần 900 m, cao 5 m, rộng 4 m, phía trên hầm là QL1.
Như Thanh Niên đã đưa tin, lúc 12 giờ 45 ngày 12.4, tại khu vực hầm đường sắt Bãi Gió qua đèo Cả đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm tê liệt tuyến đường sắt bắc - nam. Các tàu đi từ phía nam ra phải dừng ở ga Giã (H.Vạn Ninh, Khánh Hòa). Còn tàu đi từ phía bắc vào phải dừng ở ga Tuy Hòa (Phú Yên).