Đến nay, Bắc Tây Nguyên (gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum) chưa có km đường cao tốc nào. Là 2 tỉnh không có đường biển, đường sắt, Gia Lai và Kon Tum gần như phụ thuộc vào đường bộ để phát triển kinh tế, xã hội. Hiểu được điều đó, Gia Lai và Kon Tum đang rốt ráo đề xuất mở các tuyến cao tốc để phá thế "độc đạo" của các tỉnh miền núi giáp với Lào và Campuchia.
Tại tỉnh Kon Tum, để kết nối với vùng duyên hải miền Trung có 2 trục đường chính là Quốc lộ 14 và Quốc lộ 24. Tuy nhiên, 2 tuyến quốc lộ chính này một số đoạn đã xuống cấp và đang là "điểm nghẽn" giao thông.
Cụ thể, Quốc lộ 14 được ví như trục "xương sống" nối các tỉnh Tây Nguyên với miền Trung và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên lâu nay, đèo Lò Xo dài 27km trên Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum xuống cấp nghiêm trọng. Bê tông mặt đường nứt toác, sụt lún nhiều đoạn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Về mùa mưa, nhiều điểm trên đèo bị sạt lở, gây ách tắc giao thông liên tục.
Anh Đặng Hữu Phương (ngụ TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là tài xế thường lưu thông qua tuyến đường này cho biết, đèo Lò Xo khai thác từ năm 2004, hiện đã xuống cấp. Xe đi qua các đoạn đường nứt toác trên đèo Lò Xo dễ bị rách lốp, nổ lốp, gây mất an toàn giao thông. Cũng vì đường xuống cấp, nên nhiều tài xế muốn đi từ Gia Lai, Kon Tum về Đà Nẵng phải chọn đi tuyến đường khác thay vì đi qua đây. Nếu có cao tốc nối Kon Tum với các tỉnh miền Trung, cũng sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và công sức của anh em tài xế.
Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trước mắt, địa phương đang đề xuất làm 2 tuyến cao tốc. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị sớm bổ sung tuyến cao tốc kết nối tỉnh Quảng Ngãi - Kon Tum. Việc đầu tư cao tốc này được phía tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên, khắc phục điểm yếu về hạ tầng và liên kết vùng. Tuyến đường cũng giúp hiện thực hóa hành lang kinh tế giữa các địa phương.
Tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dự kiến được đầu tư có chiều dài 136km, với 4 làn xe, nền đường rộng 22 - 25 mét, vận tốc thiết kế 80 - 100km/giờ. Điểm đầu công trình nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Sau đó, đường qua đèo Măng Đen, song song Dự án Cảng Hàng không Măng Đen (đang nghiên cứu đầu tư), tiếp tục đến TP.Kon Tum, giao Quốc lộ 14E, kết thúc ở cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum đề xuất đầu tư dự án cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 13.200 tỷ đồng; vận tốc thiết kế 100km/giờ; bề rộng mặt đường 22,5 mét; 6 làn xe.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, việc đầu tư tuyến đường này là cần thiết, bởi theo dự báo, lưu lượng phương tiện và hàng hóa vận chuyển từ các nước Thái Lan, Myanmar, Lào về Việt Nam thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum rất lớn. Trong khi đó, tuyến đường Quốc lộ 14 từ Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đi Đà Nẵng đã xuống cấp và thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 6.145km đường giao thông, trong đó có 6 quốc lộ dài 522km, tỉnh lộ dài 525km. So với năm 2016, toàn tỉnh tăng khoảng 623km. Tình trạng kỹ thuật và chất lượng mặt đường trên địa bàn đã được cải thiện. Tuy nhiên, một số đoạn của các tuyến còn lại của các tuyến quốc lộ quan trọng vẫn chưa được đầu tư để đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả tối đa. Cụ thể như Quốc lộ 24 qua tỉnh Kon Tum dài 25,2km chưa được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch cấp III miền núi; Quốc lộ 14C còn lại dài 62km chưa được đầu tư cấp IV miền núi...
Để thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế - xã hội của tỉnh, kết nối tỉnh Kon Tum và các tỉnh trong khu vực với các trung tâm, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cũng như các nước trong khu vực, Sở GTVT Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất đầu tư dự án cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku.
Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, Gia Lai không chỉ là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên cũng như Kon Tum, Gia Lai chưa có km đường cao tốc nào.
Một trong những mạng lưới giao thông được kỳ vọng nhất Gia Lai là tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn. Đây không chỉ là tiền đề phát huy lợi thế vị trí địa lý kinh tế các tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum mà còn của cả khu vực Tây Nguyên. Tuyến cao tốc này hình thành sẽ là tuyến ngang kết nối các cao tốc dọc (cao tốc Bắc - Nam), góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc Việt Nam. Tuyến đường cũng tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung, kết nối Biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, vươn xa hơn là kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar.
Ông Đoàn Hữu Dũng - Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho biết, với quan điểm giao thông đi trước mở đường cho phát triển, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, bảo đảm mục tiêu kết nối nhanh, mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc như tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai.
Cũng theo ông Dũng, đối với tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, dự án có chiều dài khoảng 151,4km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 44.000 tỷ đồng. Việc đẩy nhanh tiến trình đầu tư xây dựng để sớm hình thành tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn là hết sức cần thiết, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Gia Lai, Bình Định nói riêng và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung nói chung.
Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Định và Sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai làm việc với các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan để được hướng dẫn các nội dung liên quan đến phương án đầu tư dự án đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn.
Nguồn: congan.com.vn
Đang gửi...