Hai phương án đang được quan tâm nhiều là ĐSTĐC Bắc - Nam khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng. Phương án tốc độ thiết kế chạy tàu 200 - 250 km/giờ, trong đó chạy tàu hàng tối đa 120 km/giờ; tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD. Phương án chạy tàu 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu; tổng vốn đầu tư khoảng 68,98 tỉ USD.
Theo tính toán, tàu đi từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Thủ Thiêm (TP.HCM) nếu dừng tại 6 ga sẽ mất 5 giờ 26 phút, nếu dừng ở 23 ga sẽ mất 7 giờ 54 phút. Việc lựa chọn phương án nào sẽ dựa trên nhu cầu dự báo thực tế của thị trường.
Thêm động lực phát triển
Bạn đọc (BĐ) ủng hộ việc xây dựng tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam để thay thế tuyến đường sắt hiện hành đã lạc hậu, trì trệ. BĐ mtrangg7773 nêu ý kiến: "Đường sắt hiện nay cũ kỹ, lạc hậu và thiếu an toàn. Việc chủ động xây dựng tuyến ĐSTĐC để lĩnh vực này ngày càng hiện đại hơn là cấp thiết. Điều này không chỉ tạo động lực phát triển cho ngành đường sắt VN mà còn đáp ứng nhu cầu thực tế trong phát triển kinh tế xã hội".
BĐ Văn Bình Võ cùng quan điểm: "Tuyến đường sắt hiện tại đang cản trở lưu thông của phương tiện khác, chiếm tài nguyên đất đai rất lớn nhưng hiệu quả thấp. Do đó, việc xây dựng ĐSTĐC để thay thế hoàn toàn tuyến đường lạc hậu là cần thiết, cấp bách, không thể để lâu hơn nữa. Giao thông đường sắt chỉ hiệu quả khi thông toàn tuyến, vì vậy khi khởi công đoạn này thì phải chuẩn bị triển khai ngay đoạn tiếp theo".
"Đường sắt có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông của quốc gia. Xây dựng tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam là hợp lý. Mục tiêu là ĐSTĐC chở người và vận chuyển thêm cả hàng hóa để đạt hiệu quả tối đa, tiến đến làm chủ công nghệ tiên tiến", BĐ Nam Nguyen Van khẳng định.
An toàn, hợp lý nhưng phải hiện đại
Theo BĐ, ngành đường sắt VN sẽ có bước phát triển đột phá, khi loại hình vận chuyển nhiều ưu thế như ĐSTĐC được triển khai. "Tàu chở khách của ĐSTĐC chở được rất nhiều người, độ an toàn cao. Với vận tốc nhanh chỉ thua tốc độ di chuyển bằng đường hàng không, phương tiện mới này sẽ được nhiều người lựa chọn vì không mất nhiều thời gian, hay không phải qua thủ tục nhiêu khê như đi máy bay. Sự xuất hiện của ĐSTĐC thì bức tranh giao thông hứa hẹn sẽ đổi khác", BĐ Tran Viet nhìn nhận.
Về tốc độ chạy tàu, BĐ cho rằng nên lựa chọn phương án phù hợp với bối cảnh xã hội đất nước, song cũng cần theo sát xu hướng trên thế giới. BĐ Duy Minh ý kiến: "Tôi nhất trí với phương án tốc độ chạy tàu cao nhất 250 km/giờ. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải "liệu cơm gắp mắm", cân nhắc khả năng tiếp quản, quản lý, khai thác, bảo trì ĐSTĐC ở mức tốc độ này. Hàng trăm năm tới, đường sắt trên thế giới vẫn phổ biến mức tốc độ này, ta có nhiều nhà cung cấp, không bị đẩy vào thế bị "ép buộc" khi triển khai thực hiện dự án".
Trong khi đó, BĐ Quân Quang bày tỏ góc nhìn: "Nếu chúng ta thiết kế ĐSTĐC với vận tốc chạy tàu 250 km/giờ thì có tính đến chuyện không lâu sau phải nâng lên tốc độ 350 km/giờ mà trước đó đã bàn đến? Ngành đường sắt của ta đi sau các nước thì có thể nhìn ra thế giới mà đi tắt đón đầu luôn. Vì không chỉ có nguy cơ lạc hậu với thế giới mà ĐSTĐC còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với đường bộ cao tốc Bắc - Nam khi hoàn chỉnh".
"Rất mong ĐSTĐC được triển khai xây dựng sớm, nhất là khi nghĩ về việc dịp lễ tết, người dân căng thẳng chuyện vé tàu xe", BĐ ở địa chỉ email lanvuong…@gmail.com mong mỏi.
* Mong rằng ĐSTĐC sớm hình thành để người dân có thêm phương tiện giao thông hiện đại đi lại, an toàn, từ đó góp phần giúp kinh tế phát triển hơn.
Duc Tri Nguyen
* Các nước đã phát triển ngành ĐSTĐC rất hiệu quả, chúng ta cần nhanh chóng triển khai, để không làm chậm nhịp phát triển kinh tế.
Lan Phi Che