Xóa áp lực kiểm tra cuối kỳ

15:58 - 26/12/2023

Thời gian này, học sinh tiểu học TP.HCM đang ôn tập, kiểm tra cuối học kỳ 1. Nhà trường thông tin tới phụ huynh rằng đợt kiểm tra rất nhẹ nhàng, song không ít bậc cha mẹ vẫn âu lo.

PHỤ HUYNH VẪN CÓ NHU CẦU "XIN ĐỀ CƯƠNG"

Anh Nguyễn Đình Sơn, phụ huynh có con học lớp 2 tại Q.12 (TP.HCM), cho biết đã nhận được lịch kiểm tra cuối học kỳ 1 môn toán, tiếng Việt của con sẽ diễn ra sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, đồng thời cô giáo chủ nhiệm lưu ý cha mẹ học sinh trong giai đoạn này giữ sức khỏe cho con, để con đi học đều đặn. "Cô giáo cho biết các con không có đề cương để học thuộc, cũng như không có các phiếu bài tập phải hoàn thành ở nhà. Cô giáo chỉ dặn phụ huynh theo dõi vở dặn dò của con em mình, để biết con đã học những gì, về nhà các con có thể xem lại bài thơ, phép tính ra sao, rèn tính tự học", anh Sơn cho biết.

Xóa áp lực kiểm tra cuối kỳ

Giáo viên cho học sinh ôn tập ngay trên lớp, không có đề cương, không học thuộc bài mẫu

THÚY HẰNG

Theo anh, đợt kiểm tra cuối kỳ không khiến cả nhà anh phải "lo sốt vó". Tuy nhiên, trên mạng xã hội, anh Sơn và nhiều phụ huynh khác vẫn thấy phong trào "xin đề cương" rất sôi nổi.

Trên các hội nhóm phụ huynh, nhiều người vẫn có nhu cầu hỏi xin các phụ huynh, giáo viên (GV) ở các trung tâm học thêm ngoài giờ đề cương, bộ đề mẫu để in ra, cho con làm thêm ở nhà. Áp lực cho các con nhiều khi đến từ chính nhu cầu của cha mẹ học sinh (HS). Một GV tại TP.HCM cho biết thực tế vẫn có phụ huynh nhắn tin riêng xin cô mẫu phiếu bài tập để rèn thêm cho con.

"KHÔNG ĐỀ CƯƠNG, KHÔNG HỌC THUỘC LÒNG BÀI MẪU"

Tuần qua, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ký công văn hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1, cấp tiểu học năm học 2023 - 2024 gửi đến các phòng GD-ĐT quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em. Việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu.

Sở GD-ĐT TP.HCM

Sở nhấn mạnh: "Tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ đối với HS, chỉ xem như một hoạt động đánh giá thông thường hằng ngày dành cho các em".

Nhằm chuẩn bị điều kiện học tập thật tốt cho HS, Sở yêu cầu các trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập và có kế hoạch phụ đạo riêng cho HS yếu kém; thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình. "Tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho GV, HS và gia đình các em. Việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc HS làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. GV cần hướng dẫn HS cách tự học, ôn tập", lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu.

Trước hướng dẫn của Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT về kiểm tra cuối kỳ 1, các trường tiểu học tại TP.HCM cho biết bằng nhiều kênh liên lạc với gia đình như sổ liên lạc điện tử, nhóm Zalo phụ huynh… đã gửi thông báo về lịch kiểm tra, hình thức, cấu trúc các bài kiểm tra và nhấn mạnh đây là những bài kiểm tra định kỳ, "không tạo áp lực cho HS, không giao bài tập về nhà, đề cương để học thuộc", để phụ huynh cùng phối hợp.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), các em HS đang trong quá trình kiểm tra cuối kỳ 1. "HS và GV đều đánh giá rất nhẹ nhàng", cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường, nói.

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM), cho biết nhà trường cũng chủ trương kiểm tra cuối kỳ 1 nhẹ nhàng, bình thường. Việc kiểm tra cuối kỳ với HS tiểu học đều có tinh thần chung như vậy, nhằm không gây áp lực cho HS và cha mẹ các em. Theo cô Hương, GV các lớp không cho đề cương để về nhà ôn tập mà các HS được ôn bài, hệ thống lại kiến thức đã học ở ngay trên lớp.

Xóa áp lực kiểm tra cuối kỳ

Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trương kiểm tra cuối kỳ cho học sinh tiểu học nhẹ nhàng, bình thường

THÚY HẰNG

PHỤ ĐẠO MIỄN PHÍ CHO HỌC SINH GẶP KHÓ KHĂN

Cô Lê Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thạnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay việc kiểm tra cuối kỳ 1 nhằm mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của HS. Nhà trường coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của HS, giúp các em phát huy nhiều nhất khả năng của mình, đảm bảo đánh giá công bằng, khách quan. Đồng thời, theo cô Kim Ngân, căn cứ kết quả kiểm tra định kỳ của HS, GV điều chỉnh kế hoạch dạy học kịp thời; lựa chọn phương pháp và tổ chức hình thức dạy học phù hợp nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của HS. Từ đây, trường lớp có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, phụ đạo cho từng đối tượng HS, đảm bảo HS đạt yêu cầu cần đạt của từng môn học và hoạt động giáo dục.

"Chính vì lý do này, phụ huynh, GV, HS không nên căng thẳng, áp lực. Các bài kiểm tra rất nhẹ nhàng, quá trình ôn tập cũng được diễn ra trên lớp, các con không có bài tập hay đề cương về nhà để phải học thuộc lòng, gây áp lực căng thẳng cho cả gia đình", cô Kim Ngân cho biết.

Thực tế tại Trường tiểu học Phước Thạnh các năm học qua, nhà trường luôn có nhiều hoạt động tổ chức trong trường nhằm bồi dưỡng, phụ đạo cho các HS còn đang gặp khó khăn ở một hoặc một số môn học. Việc phụ đạo này hoàn toàn miễn phí, do GV chủ nhiệm hoặc GV bộ môn trao đổi với phụ huynh, để có thể bố trí thời gian như cuối giờ, giờ tan học, mỗi buổi khoảng 30 phút để kèm cặp, hỗ trợ, bồi dưỡng thêm cho HS. Đáng chú ý, không phải đợi đến khi kết thúc đợt kiểm tra cuối kỳ thì lớp bồi dưỡng kiến thức này cho các em mới diễn ra, mà có thể sau các tuần học đầu tiên ở trường, GV nhận thấy HS nào còn khó khăn trong học tập thì sẽ hỗ trợ thêm cho các em.

Đề kiểm tra cuối kỳ cấu trúc thế nào?

Theo hướng dẫn kiểm tra cuối kỳ 1 của Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành, đối với lớp 1, 2, 3, 4, việc kiểm tra được thực hiện theo điều 7 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4.9.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Đề kiểm tra phải phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng. Các câu hỏi, bài tập trong đề kiểm tra được thiết kế theo các mức từ 1 tới 3.

Mức 1: HS nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập.

Mức 2: HS kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự.

Mức 3: HS vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

Đối với lớp 5 (lớp còn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006), khi xây dựng đề kiểm tra, các trường thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 3694/GDĐT-TH ngày 24.10.2018 của Sở GD-ĐT TP.HCM về hướng dẫn đánh giá HS cấp tiểu học kể từ năm học 2018 - 2019.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...