Nhiều người nêu câu hỏi TP.HCM đang chuyển đổi số mạnh mẽ, công tác tuyển sinh đầu cấp của ngành GD-ĐT thành phố thực hiện trực tuyến rất hiệu quả. Vậy tại sao Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn không tuyển sinh trực tuyến mà duy trì cách phát hành hồ sơ giấy, dẫn tới cảnh xếp hàng từ đêm chờ mua hồ sơ lớp 1 cho con?
Phải chăng xếp hàng để 'sàng lọc' phụ huynh?
Chị N.P, một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, cũng làm quản lý trong một công ty công nghệ giáo dục tại TP.HCM, cho biết con chị đăng ký trực tuyến qua cổng tuyển sinh trực tuyến của Sở GD-ĐT TP.HCM và đã có thông báo trúng tuyển vào một trường tiểu học tiên tiến hội nhập quốc tế. Khi có kết quả trúng tuyển, hệ thống thông báo bằng tin nhắn tới cho phụ huynh qua số điện thoại đã đăng ký. Phụ huynh bấm xác nhận nhập học trên hệ thống. Đồng thời căn cứ theo đúng thời gian, ngày giờ trên tin nhắn, phụ huynh mang giấy tờ cần thiết tới nộp hồ sơ giấy tại trường. "Tuyển sinh trực tuyến cho thấy những ưu điểm như hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi. Rút ngắn thời gian phải chờ đợi. Phụ huynh có thể đăng ký, chờ kết quả, nhận kết quả từ xa, chỉ cần một bước nộp hồ sơ là cần tới trường. Do đó, ở góc độ một phụ huynh tôi ủng hộ phương án tuyển sinh trực tuyến", chị N.P nói.
Dù vậy, chị N.P cũng cho biết chị thấu hiểu những cái khó trong tuyển sinh lớp 1 ở một trường tiểu học còn mới (trường được thành lập năm 2019 - PV), trường chỉ tuyển sinh 150 học sinh lớp 1 ở năm học mới 2024-2025, phát ra số lượng hồ sơ vào lớp 1 có giới hạn, nhưng nhu cầu phụ huynh cho con vào đây quá lớn.
"Trường không tuyển sinh theo tuyến, không căn cứ theo nơi cư trú thực tế của học sinh, không có những tiêu chí cụ thể như trình độ tiếng Việt, tiếng Anh, ngoài ra trường ưu tiên một số trường hợp cụ thể - đã ghi trong thông báo tuyển sinh. Do đó, tôi cho rằng Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn hoàn toàn có đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ công nghệ dày dặn có thể triển khai hình thức tuyển sinh trực tuyến. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu để đăng ký trực tuyến, số lượng người đăng ký quá lớn, việc sàng lọc học sinh trúng tuyển phải chăng "khó xử" với nhà trường hơn, nên nhà trường vẫn thực hiện phát hành hồ sơ giấy, và nộp hồ sơ giấy như hiện tại để giới hạn được số người thực sự có nhu cầu chăng?", phụ huynh này nêu quan điểm.
Nên thi đầu vào hoặc phỏng vấn
Anh T.K, phụ huynh có con học ở trường, người cũng từng "bỏ công đi xếp hàng và chạy bao nhiêu bận lo thủ tục giấy tờ để con được trúng tuyển" vào Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn cho biết: "Việc xếp hàng đi mua hồ sơ thế này, nhìn vào thì nghĩ là bất cập, nhưng cũng chọn lọc được các phụ huynh có thiện chí và quyết tâm cho con vào trường. Muốn có quả ngọt thì phải bỏ công sức".
"Năm ngoái, trải nghiệm qua trang tuyển sinh trực tuyến của tôi không được suôn sẻ vì phụ huynh không chủ động kiểm soát được thông tin. Bé nhà tôi không có thông tin trên hệ thống và cũng không có ai hướng dẫn xử lý. Nên tôi không ủng hộ cách tuyển sinh trực tuyến lắm", anh T.K thông tin thêm.
Tuy nhiên, phụ huynh T.K cũng cho rằng nên thay đổi cách thức xét tuyển vào lớp 1 tại trường có nhu cầu lớn như Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn, thay vì xếp hàng để mua hồ sơ lớp 1 và tới nộp hồ sơ giấy. "Như tôi quan sát, các phụ huynh định hướng cho con vào trường, họ đều đầu tư sớm cho con. Nên nếu trường thay đổi cách xét tuyển, tôi đề xuất là thi đầu vào hoặc phỏng vấn như các trường điểm lớn của Hà Nội. Kết quả thi của bé là cơ sở chắc chắn nhất, tránh tạo ra nhiều ý kiến trái chiều", anh T.K nêu quan điểm.
Hy vọng có hình thức tuyển sinh ưu việt hơn
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn là trường mới được thành lập. Trong thông báo của nhà trường về tuyển sinh lớp 1 năm học 2024-2025 cũng đã đưa ra những thông tin cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, những trường hợp thuộc diện ưu tiên. Trường tiểu học Thực hành không tuyển sinh đầu cấp theo tuyến quận, huyện, TP.Thủ Đức thông thường như ở TP.HCM.
"Mặt bằng chung các trường tiểu học tại TP.HCM hiện nay đều khang trang, được nâng cao cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giáo dục, không có sự phân biệt lớn giữa các trường ở các quận trung tâm và các khu vực khác. Dù vậy, có một thực tế là tâm lý của phụ huynh vẫn luôn mong được học ở những trường học ở vị trí thuận tiện, phù hợp với công việc của ba mẹ, được đánh giá tốt, phương pháp giáo dục chuẩn mực. Điều này hoàn toàn là điều dễ hiểu", ông Lê Ngọc Điệp cho hay thêm.
Nói về cách thức tuyển sinh của Trường tiểu học Thực hành thuộc trường ĐH Sài Gòn (như hiện nay là phụ huynh xếp hàng mua hồ xét tuyển của nhà trường, sau đó tới trường nộp lại hồ sơ giấy, sau đó nhà trường công bố kết quả), ông Lê Ngọc Điệp chia sẻ: "Vì đây ngôi trường còn non trẻ, ngay bây giờ có thể cách thức tuyển sinh của nhà trường chưa hoàn chỉnh, song tôi tin rằng dần dần nhà trường sẽ có cách, hình thức tuyển sinh hoàn chỉnh hơn, nhanh chóng, tinh gọn, đáp ứng mong đợi của phụ huynh. Việc rất đông phụ huynh có nhu cầu cho con vào học ở đây là tin vui của nhà trường, có thể từ đây cũng là động lực để nhà trường có cách thức tuyển sinh ưu việt hơn".
Thong thả nộp hồ sơ
Sáng nay, 19.6, phụ huynh bắt đầu trong thời gian nộp hồ sơ lớp 1 cho con vào Trường tiểu học Thực hành thuộc Trường ĐH Sài Gòn. Quan sát cho thấy các phụ huynh lần lượt tới nộp hồ sơ, không phải chờ đợi lâu, không cần xếp hàng dài trước cổng trường. Một phụ huynh vừa nộp xong hồ sơ cho con vào lúc 8 giờ 30 cho biết ngày 17.6 khi chị tới lượt mua được hồ sơ xét tuyển vào lớp 1, nhà trường có thông báo cho chị khoảng thời gian cụ thể tới nộp hồ sơ để tránh việc phụ huynh tới sớm quá, phải chờ đợi, xếp hàng vất vả.